Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 47 - CT/TU của Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 177
Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất và đời sống là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng và sự tạo điều kiện của Chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, Hội Nông dân của tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất và đời sống thông qua các Hội viên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
anh tin bai

Triển khai mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại xã Vĩnh Quang, Tp Cao Bằng (Ảnh: QG)

 

Triển khai thực hiện Chỉ thị 47 - CT/TU ngày 11/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động KHCN giao đoạn 2010 -2020 và hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Cùng với đó, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, Đảng viên, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của KHCN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ hội nhập. Chính vì vậy trong thời gian qua Hội Nông dân đã đạt được một số kết quả nhất định:

Về Công tác chỉ đạo:
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã quán triệt nội dung của Chỉ thị số 47 - CT/TU ngày 11/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề cán bộ Hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của công tác ứng dụng KHCN và chuyển giao KHKT cho nông dân; Xây dựng và ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch, thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở KH&CN để chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cấp thực hiện  đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; vận động các hội viên nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 47 - CT/TU ngày 11/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lồng ghép công tác Hội, công tác chuyên môn.
 
Về công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung của Chỉ thị:
Hội Nông dân các cấp đã tổ chức gần 200 cuộc học tập, quán triệt các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về KH&CN với 3.720 cán bộ, hội viên nông dân tham gia; lồng ghép phối hợp với các đơn vị tổ chức 255 Hội nghị tuyên truyền; vận động hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng thế mạnh của tỉnh với 1.220 lượt hội viên tham gia. Công tác học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47 - CT/TU được các cấp Hội Nông dân triển khai nghiêm túc, tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên trên địa bàn toàn tỉnh về tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
 
Triển khai, thực hiện Chỉ thị:
Tập trung tuyên truyền các kết quả Hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm, nhất là các giải pháp đạt giải thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp các mô hình sản xuất phát triển kinh tế; giới thiệu các mô hình ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tinh có hiệu quả; tổ chức các hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN như: Tích cực triển khai, hướng dẫn vận động hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân đề xuất các ý tưởng và các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch gắn với thi trường tiêu thụ; tham gia sự kiện vận động sáng tạo KHKT trong phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất (2017 - 2018) có 05/06 đề xuất do nông dân là tác giả đạt giải và Sự kiện vận động lần thứ 2 có 10/15 đề xuất  do nông dân là tác giả đạt giải.

Theo đó, các cấp Hội cũng đã triển khai việc thực hiện các mô hình, dự án ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất như: Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm "Quýt Quang Hán" tại xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (năm 2018); triển khai mô hình"Chăn nuôi gà thịt sinh học hỗ trợ Tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị" tại xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, Phường Hòa Chung, Thành phố Cao Bằng; dự án" Hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quả Thanh Long" tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình (năm 2020); Triển khai dự án"Sản xuất rau an toàn hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị" tại thị trấn Nguyên Bình, dự án " Phát triển chăn nuôi bò sinh sản" tại xã Trương Lương, huyện Hòa An, dự án " Trồng cây Nho đen hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị" tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh; Mô hình "Phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học theo chuỗi giá trị" tại Tà sa, Vũ Minh, Nguyên Bình (năm 2021);  Triển khai mô hình "Trồng cây Thạch đen nhằm hỗ trợ tổ chợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị" tại Đức Thông, Thạch An; mô hình"Phát triển chăn nuôi vịt cỏ thương phẩm theo hướng an toàn sinh học theo chuỗi giá trị" tại xã Ngọc Khê, Trùng Khánh... Phối hợp triển khai các mô hình sử dụng phân bón Hudavil trên các loại cây trồng (thuộc đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của Công ty TNHH Thương mại và Khoáng sản Tiến Hiếu); Vận động hội viên, nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn,vận động  trên 2.000 hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn ở, xây dựng gần 5.000 nhà tiêu hợp vệ sinh thông qua các mô hình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại Mông Ân huyện Bảo Lâm (năm 2019), Thái Sơn, huyện Bảo Lạc và Hoàng Tung, huyện Hòa An (năm 2020)...
 
Công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với Sở KH&CN và các ngành chức năng đã được quan tâm triển khai, giai đoạn 2016 - 2020, Hội Nông dân đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức được gần 20 lớp tập huấn chuyển giao KHKT và ứng dụng kết quả đề tài KH&CN cấp tỉnh đã nghiệm thu cho 800 lượt hội viên, nông dân về ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, kỹ thuật nuôi giun quế ứng dụng kết quả đề tài vi ghép đỉnh sinh trưởng cho cây cam, quýt, ứng dụng các sản phẩm nano kim loại (đồng, sắt, coban) trong quá trình xử lý hạt giống nhằm kích thích tăng trưởng, tăng năng suất thu hoạch cho cây ngô, ứng dụng công nghệ nano kim loại đối với cây gừng trâu tại huyện Hà Quảng, chuyển giao một số giống lúa mới năng suất cao...
 
Phối hợp với Trung tâm khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KHKT mới cho nông dân, tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên, nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc thú y, bảo vệ thực vật...Hội Nông dân các cấp đã phối hợp xây dựng được các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương như Quýt Trà Lĩnh, Gạo nếp Hương Bảo Lạc, Vịt cỏ Trùng Khánh...

Công tác nghiên cứu khoa học các cấp Hội từng bước được quan tâm, Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đề xuất nhiệm vụ KHCN quản lý, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu tập thể "Thịt bò H'Mông Cao Bằng", thuộc Đề án phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Cao Bằng.
 
Có thể nói sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 47 - CT/TU đã được đội ngũ cán bộ Hội các cấp quan tâm nhiều hơn với công tác KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các sở, ngành chức năng  đã quan tâm phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong công tác tập huấn, ứng dụng, chuyển giao KHCN giúp nông dân phát triển sản xuất góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân tham gia vào các đề tài, dự án ứng dụng KHCN như: Dự án"Sản xuất rau an toàn hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị" tại thị trấn Nguyên Bình; "Phát triển chăn nuôi vịt cỏ thương phẩm theo hướng an toàn sinh học theo chuỗi giá trị" tại Ngọc Khê, Trùng Khánh"; "Trồng cây Thạch đen nhằm hỗ trợ tổ chợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị" tại Đức Thông, Thạch An; "Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi" ... Mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ KHCN góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN đã chọn lựa và chuyển giao kỹ thuật có sức lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, thu hút đông đảo hội viên tham gia, thông qua đó giúp cho hội viên nông dân biết ứng dụng  KHKT mới vào sản xuất đem lại thu nhập nâng cao mức sống cho cộng đồng nông dân ở nông thôn.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 47 - CT/TU Hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị ở một số nơi chưa kịp thời, nội dung và giải pháp thực hiện chưa cụ thể nên tính hiệu quả chưa cao. Đồng thời nguồn kinh phí để các cấp Hội  phối hợp tuyên truyền, vận động việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn ít,do đó việc triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và đời sống còn hạn chế. Quy mô triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu còn nhỏ lẻ, tiềm lực KH&CN của địa phương còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng...
 
Từ kết quả, hạn chế trên để triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 47 - CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh, Hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
 
 Một là,Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Hội đối với công tác KH&CN; tích cực triển khai các hoạt động KH&CN gắn với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của hội viên, nông dân.

Hai là, ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở KH&CN và Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2030; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình  phối hợp  hàng năm đảm bảo có hiệu quả.

Ba là, tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên, nông dân về vai trò của KH&CN đối với phát triển KT - XH; tăng cường công tác tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo về KH&CN trong sản xuất - kinh doanh - chế biến cũng như ứng dụng các tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất; phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương, địa phương để đa dạng hóa các hình thức phổ biến kiến thức về KHKT cho nông dân...

Bốn là, phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản; bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất ...

Năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Hội tham gia công tác KHCN. Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của KHCN trong sản xuất- kinh doanh - dịch vụ; hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng các thành tựu KH&CN nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Sáu là, khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển sản xuất theo chuỗi phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương ./.
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Tác giả bài viết:  ĐT














image advertisement