Hội thảo khoa học đánh giá và nhân rộng kết quả đề tài: Nghiên cứu khai thác, phát triển nguồn gen đào ăn quả
17/07/2025
Lượt xem: 28
Ngày 16/7/2025, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá và nhân rộng kết quả đề tài “Nghiên cứu khai thác, phát triển nguồn gen đào ăn quả Tiên Pắc Á, đào sớm Địa Linh tại Bắc Kạn và vùng phụ cận” thuộc đề tài cấp quốc gia, do Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện trong giai đoạn năm 2021 – 2025.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng đào Tiên Pắc Á tại Kolia, xóm Phja Đén, xã Thành Công
Tham dự Hội thảo có đồng chí: Nông Thành Thân – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng; đ/c Hoàng Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công; Trường xóm Phja Đén và đại diện bà con nông dân xóm Phja Đén, xã Thành Công, tỉnh Cao Bằng.
Dựa vào những điều kiện tự nhiên thuận lợi tại địa phương tỉnh Bắc Kạn và vùng lân cận như tỉnh Cao Bằng, đề tài được triển khai hoàn thành các mục tiêu đặt ra: Xây dựng được cơ sở dữ liệu về đặc điểm nông sinh học, giá trị và tiềm năng phát triển của 2 nguồn gen đào Tiên Pắc Á và đào sớm Địa Linh; Tuyển chọn và chứng nhận được 10 cây đầu dòng cho mỗi nguồn gen; Xây dựng được vườn giống gốc, được nhân giống từ cây đầu dòng tuyển chọn, diện tích 2.000 m2, lưu giữ 300 cây giống gốc; Xây dựng được vườn ươm nhân giống diện tích 500 m2, sản xuất được 3.000 cây giống đạt tiêu chuẩn (tại xóm Pù Vài, xã Thành Công, tỉnh Cao Bằng); Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất cây giống, quy trình canh tác cho mỗi nguồn gen; Xây dựng được 02 mô hình trồng mới, quy mô 03 ha/nguồn gen, tỷ lệ sống tối thiểu 90%, cây sinh trưởng, phát triển tốt; Xây dựng được 02 mô hình thâm canh vườn cây trồng có sẵn, quy mô 01 ha/ nguồn gen, hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với sản xuất đại trà.
Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các hộ dân tham dự Hội thảo đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến và đánh giá cao các kết quả đạt được của đề tài, đặc biệt là việc sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp ghép cành và ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các kết quả của đề tài nếu được nhân rộng tại địa phương không những góp phần phát triển cây ăn quả tại địa phương mà còn mở ra hướng đi mới trong việc tạo cảnh quan và phát triển du lịch tạo lợi thế trong việc phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ một số sản phẩm khác của địa phương vì vậy cần tiếp tục được phát triển và nhân rộng mô hình. Thành công của đề tài sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa và du lịch tại địa phương trong tương lai./.