Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Hoàng và hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản Cao Bằng
Lượt xem: 10

Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, việc định vị thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là ở các tỉnh miền núi nơi hội tụ nhiều lợi thế về sản vật bản địa như tỉnh Cao Bằng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phan Hoàng (viết tắt Công ty Phan Hoàng), phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, đã không ngừng đổi mới quy trình sản xuất các sản phẩm đặc sản địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng nông nghiệp sạch, an toàn. Với hành trình đầy nỗ lực, Công ty Phan Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm do Công ty sản xuất.

Đặc sản địa phương – tiềm năng chưa được khai thác đúng mức

Cao Bằng, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và tài nguyên bản địa, trải qua bao thế hệ, những món ăn truyền thống như: Miến dong, lạp sườn, thạch đen… đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và sinh kế nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, giá trị của các sản phẩm đặc sản bản địa không phải lúc nào cũng được khai thác hết tiềm năng. Phần lớn nông sản vẫn được tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến, đóng gói. Mẫu mã sản phẩm đơn giản, kênh tiêu thụ hạn chế, thiếu thương hiệu, thiếu chứng nhận chất lượng. Sự thiếu hụt này khiến cho các sản phẩm nông sản của Cao Bằng khó tiếp cận thị trường rộng lớn, giá trị kinh tế không tương xứng với tiềm năng.

Bài toán đặt ra đó chính là cần chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang mô hình chuyên nghiệp, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và quy chuẩn thị trường, được xem là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của nông sản đặc sản địa phương.

Từ đặc sản vùng cao đến sản phẩm có thương hiệu

Nhận thấy thực trạng trên, Công ty Phan Hoàng ngay từ khi thành lập (năm 2019) xác định hướng phát triển dựa trên nguyên tắc: “Gìn giữ bản sắc – Chuẩn hóa sản phẩm – Xây dựng thương hiệu”. Ban đầu, Công ty sản xuất miến dong, lạp sườn đặc sản truyền thống, đồng thời từng bước mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, thiết bị chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, Công ty Phan Hoàng là một trong số ít doanh nghiệp tại Cao Bằng sở hữu nhóm sản phẩm đa dạng đạt các tiêu chuẩn OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Cụ thể, 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm: Miến dong, lạp sườn, thịt hun khói, thạch đen, bánh chưng và bánh gai. Ngoài ra, Công ty còn kinh doanh các sản phẩm đạt OCOP như: Nấm hương, măng khô, mộc nhĩ, các loại chè, trà và dược liệu bản địa…

Đặc biệt sản phẩm miến dong của Công ty được Cục Công thương địa phương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Khu vực năm 2024. Đây là bước khẳng định về chất lượng và khả năng cạnh tranh của một sản phẩm địa phương khi được chuẩn hóa, định danh và phát triển theo chuỗi giá trị.

Một dấu mốc quan trọng khẳng định uy tín thương hiệu và sự đầu tư bài bản trong chiến lược phát triển của đơn vị, xây dựng thương hiệu gắn với bản sắc địa phương chính là việc Công ty Phan Hoàng là được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 537013, theo Quyết định số 42235/QĐ-SHTT ngày 03/04/2025. Các sản phẩm được bảo hộ thuộc nhóm 29 và nhóm 30, trong đó:  Nhóm 29 gồm: Lạp sườn, thịt sấy khô, thịt hun khói, thạch đen. Nhóm 30 gồm: Miến, bánh chưng, bánh gai, bánh rợm, bánh gio. 

anh tin bai

Việc được chứng nhận nhãn hiệu không chỉ là minh chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để Công ty Phan Hoàng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường, đặc biệt là hướng đến người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm nông sản sạch, đặc sản vùng miền.

Định hướng tương lai: Đưa đặc sản Cao Bằng hội nhập sâu hơn

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, mô hình như Công ty Phan Hoàng cho thấy: Ngay tại cấp cơ sở, nếu có sự đầu tư bài bản, gắn kết giữa sản xuất, thương mại và bảo hộ thương hiệu, thì nông sản địa phương hoàn toàn có thể vươn xa. Từ việc các sản phẩm nông sản của Công ty Phan Hoàng được đưa lên sàn thương mại điện tử, đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, hội chợ sản phẩm OCOP toàn quốc, đặc sản Cao Bằng đang được giới thiệu rộng rãi hơn bao giờ hết.

Câu chuyện của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Hoàng là một ví dụ cụ thể cho thấy, để nông sản đặc sản có thể đứng vững trên thị trường cần có sự đồng hành giữa tư duy đổi mới, hành động cụ thể và gắn bó với văn hóa địa phương. Chính từ những cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng có chiến lược rõ ràng và tâm huyết với quê hương, giá trị của nông sản bản địa mới có thể lan tỏa mạnh mẽ và bền vững.

P.H
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 














image advertisement