Nâng cao giá trị làng rèn Phúc Sen từ việc tạo lập, phát triển nhãn hiệu chứng nhận
Làng rèn Phúc Sen, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm rèn thủ công chất lượng, bằng sự khéo léo từ đôi tay và trí óc tài hoa của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng làm giả, làm nhái các sản phẩm rèn Phúc Sen đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của làng nghề. Để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như giữ gìn sự phát triển bền vững của sản phẩm, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Phúc Sen cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen” do Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D chủ trì đã được triển khai thực hiện. Đây là dự án thuộc Đề án phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Cao Bằng đến năm 2030.
Nhóm thực hiện dự án tiến hành khảo sát thực tế tại các hộ dân trên địa bàn xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay xã Phúc Sen có khoảng 140 – 150 hộ dân tham gia vào việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ làng nghề rèn. Nghề rèn của người Nùng An ở Phúc Sen có truyền thống hàng trăm năm qua. Mặt hàng chính được các hộ gia đình nơi đây rèn là: Dao, kéo, cuốc, liềm…trong đó chủ yếu là các loại dao, phục vụ đời sống, lao động của bà con nông dân. Sản phẩm rèn Phúc Sen từ lâu đã nổi tiếng cả nước bởi đặc tính vượt trội. Chất lượng dao được ví “chặt sắt không mẻ, chặt đá không mòn”, sắc ngọt, sáng bóng thách thức thời gian. Để làm được những con dao sắc, bền, bí quyết nằm ở chất liệu và kỹ thuật rèn. Vật liệu làm dao được chọn lọc từ những thanh nhíp ô tô bởi chúng có độ rắn và dẻo linh hoạt. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất chính là sự tinh tế, khéo léo của đôi bài tay người thợ rèn. Nghề rèn là một trong những nghề phụ của đại đa số người dân ở Phúc Sen, trải qua quá trình phát triển lâu dài với những cách thức tổ chức sản xuất khác nhau. Ban đầu, hoạt động rèn chỉ diễn ra vào lúc nông nhàn, sản phẩm chủ yếu mang tính tự cung tự cấp. Dần dần, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sản phẩm rèn Phúc Sen đã đến được với người tiêu dùng ở khá nhiều nơi trong cả nước và được khách hàng tín nhiệm bởi chất lượng của sản phẩm. Dù chỉ được coi là nghề phụ nhưng nghề rèn đã vượt ra khỏi phạm vi của tính tự cung tự cấp, trở thành hàng hóa đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, quy trình rèn ở Phúc Sen vẫn duy trì như trước kia, chỉ khác là các xưởng đã đưa thêm máy móc vào quá trình sản xuất, như búa máy thủy lực, máy mài, tiện..., nhờ đó giảm bớt sức lao động, tăng năng suất. Với một gia đình 2 nhân lực, nếu sản xuất thủ công, mỗi ngày chỉ hoàn thiện được từ 4 - 5 sản phẩm, khi có sự tham gia của máy móc, mỗi ngày có thể làm được từ 15 - 30 sản phẩm. “Lửa rèn” mang lại cho bà con cuộc sống ấm no, đủ đầy, giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá non nước Cao Bằng.
Theo người dân địa phương chia sẻ: Khó khăn nhất với nghề rèn ở Phúc Sen là hiện nay có nhiều sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường lấy thương hiệu của Phúc Sen làm giảm uy tín với khách hàng.Việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu làng rèn xã Phúc Sen là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời tạo cơ sở để phát triển thương hiệu trên thị trường. Dự án“Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Phúc Sen cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen” không chỉ là giải pháp bảo vệ chất lượng sản phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị thương hiệu Phúc Sen, từ đó mở rộng thị trường và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Mục tiêu chính của dự án là tạo lập và bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm rèn Phúc Sen. Trong suốt quá trình thực hiện, đơn vị chủ trì đã tiến hành khảo sát thực tế tại 6 xóm trong xã Phúc Sen, bao gồm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Đâư Cọ, Pác Rằng, Tình Đông và Lũng Vài. Từ những dữ liệu thu thập được, đơn vị chủ trì đã đánh giá các yếu tố quan trọng của sản phẩm từ hình dáng, kích thước, màu sắc, độ nhẵn bề mặt, đến nguyên liệu và quy trình sản xuất đặc trưng của các sản phẩm rèn, các yếu tố đặc trưng của sản phẩm. Trên cơ sở đó đơn vị chủ trì đã xây dựng dự thảo bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen. Bộ tiêu chí này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phản ánh những đặc điểm đặc trưng của sản phẩm làng nghề, tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Sau khi thiết kế nhãn hiệu, đơn vị thực hiện đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này đánh dấu một bước quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao uy tín thương hiệu của các sản phẩm làng rèn Phúc Sen.Bên cạnh việc thiết lập nhãn hiệu chứng nhận, dự án cũng chú trọng đến việc xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen. Quy chế này bao gồm các quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, các đặc tính của sản phẩm, cũng như các yêu cầu về chất lượng và quy trình kiểm soát sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời xác định được tổ chức đứng tên đăng ký nhãn hiệu chứng hận cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen là ủy ban nhân dân xã Phúc Sen.
Đặc biệt, đơn vị thực hiện dự án đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các hộ sản xuất về hệ thống các công cụ phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu chứng nhận bao gồm:: Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Quy chế sử dụng tem, nhãn bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; quy trình kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận… Việc xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu, cũng như triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận, đã giúp bảo vệ quyền lợi của các hộ sản xuất và nâng cao giá trị thương hiệu Phúc Sen.
Để nâng cao nhận diện thương hiệu và tạo đà phát triển cho sản phẩm rèn Phúc Sen, dự án còn triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm. Những hoạt động này bao gồm thiết kế poster, tờ rơi, biển hiệu cửa hàng, tem nhãn bao bì sản phẩm và xây dựng sổ tay giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, đơn vị thực hiện dự án cũng đang tiến hành xây dựng bản đồ sản xuất và hoàn tất các thủ tục xin phép sử dụng địa danh “Phúc Sen” trong sản phẩm, nhằm tăng cường sự nhận diện và bảo vệ tên gọi của làng nghề.
Trong thời gian 24 tháng, từ 31/12/2023 – 31/12/2025, dự án sẽ triển khai 3 nội dung chính gồm: Xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận; Quản lý, khai thác và phát triển; đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại. Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Phúc Sen” đã đạt được những kết quả khả quan. Các bước triển khai của dự án đều được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.
Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện các công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận Phúc Sen cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Nghề rèn ở Phúc Sen đã góp phần giúp người dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng, do đó, việc lưu giữ, bảo tồn nghề rèn luôn là vấn đề được địa phương và các cấp, ngành quan tâm. Bảo tồn và phát triển nghề rèn ở Phúc Sen ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa sâu xa về mặt bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc của người Nùng An nơi đây.