Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Thạch An” cho sản phẩm từ cây Thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 85
Cơ quan chủ trì thực hiện: Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Chủ nhiệm dự án: TS. Vũ Quỳnh Nam Thời gian thực hiện: 2019 – 2021
I - Đặt vấn đề
Ở Việt Nam cây thạch đen được trồng nhiều ở một số địa phương như Thạch An (Cao Bằng, Tràng Định (Lạng Sơn), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc( Đồng Tháp)…Tỉnh Cao Bằng hiện nay, cây thạch đen được trồng ở một số huyện như: Nguyên Bình, Bảo Lạc và Thạch An (gọi chung là cây thạch đen Cao Bằng). Trong đó, được trồng chủ yếu tại huyện Thạch An còn tại huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc cây thạch đen mới chỉ được trồng và mọc hoang dại chưa được quy hoạch thành vùng nguyên liệu. Tại huyện Thạch An có 9/14 xã, thị trấn trồng cây thạch đen, diện tích khoảng gần 500ha, năng suất đạt 5,5 – 6 tấn cây thạch đen khô/ha. Sản lượng thạch đen hàng năm đạt trên 2.000 tấn…trạm thu mua tiêu thụ sản phẩm đã được thành lập ở thị trấn và một số xã. Giá bán thạch đen nguyên liệu khá cao từ 25.000 – 35.000đ/kg. Nhìn chung trồng cây thạch đen mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các cây trồng khác trong vùng. Đây là một lợi thế tạo điều kiện cho quy hoạch và phát triển vùng thạch đen nguyên liệu trên địa bàn huyện. Với sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả, thạch đen nguyên liệu vùng Thạch An đã dần ổn định trên thị trường.
Xác định được những tiềm năng, lợi thế của cây Thạch đen trong phát triển kinh tế, UBND tỉnh Cao Bằng và các hộ dân trồng cây thạch trong tỉnh sản xuất, kinh doanh thạch đen nói chung và UBND huyện Thạch An và người dân trồng cây thạch đen của huyện có chung mong muốn xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm từ cây thạch đen, tăng cường năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế cũng như nhằm chống và ngăn chặn các hành vi sử dụng thương hiệu gây hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm và để duy trì, phát triển thị trường bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm. Từ thực trên việc triển khai dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây Thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Khả năng triển khai các hoạt động này nhằm đăng ký bảo hộ NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng góp phần tăng sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững.

II - Mục tiêu nghiên cứu
- Xây dựng, quản lý và phát triển NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây Thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của các sản phẩm mang NHCN “Thạch An” của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng trên thị trường.
- Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công đồng người dân vùng trồng Thạch đen trên địa bàn huyện Thạch An trong việc sử dụng NHCN, chống các hành vi xâm phạm bản quyền; góp phần đảm bảo đời sống cho người sản xuất và giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa của sản phẩm từ cây Thạch đen huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

III - Kết quả nghiên cứu
Nội dung 1: Xây dựng hồ sơ đăng ký NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Khảo sát, đánh giá hiện trạng về sản xuất kinh doanh, Thạch đen – Thạch An: Để tạo lập cơ sở thực tiễn cho việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ NHCN Thạch đen – Thạch An, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp với phòng NN&PTNT huyện Thạch An tiến hành khảo sát, đánh giá về hiện trạng sản xuất kinh doanh sản phẩm Thạch đen – Thạch An:
Nội dung điều tra: Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tình hình sản xuất cây thạch đen; thực trạng sản xuất và kinh doanh thạch đen tại 9 xã/thị trấn: Kim Đồng, Đức Thông, Trọng Con, Thái Cường, Canh Tân, Thụy Hùng, Quang Trọng; số lượng mẫu: 90 phiếu; Đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân sản xuất và kinh doanh, người dân sản xuất và kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Thời gian điều tra: tháng 8/2019
Phương pháp điều tra: Điều tra phỏng vấn trực tiếp có sự tham gia của người dân kết hợp với thu thập, phân tích thông tin từ các cơ quan quản lý, chỉ đạo của địa phương. Các bước tiến hành gồm: Xây dựng phiếu điều tra; tiến hành điều tra theo nhóm, thu thập số liệu; tổng hợp thông tin, số liệu, phân tích, đánh giá
Kết quả điều tra: Thạch đen – Thạch An được sản xuất tại huyện Thạch An có sự khác biệt của sản phẩm thạch đen so với các nơi khác được tạo nên từ quy trình kỹ thuật, chăm sóc, sơ chế và bảo quản thạch đen của người dân nơi đây. Hiếm có vùng trồng thạch đen nào ở miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung, người dân tâm huyết, đầu tu công sức vào cây thạch đen nhiều như ở Thạch An. Từ khâu chọn giống để trồng, người dân nơi đây đã lựa chọn giống rất kỹ càng, lượng giống cây thạch đen cần cho 1 sào bình quân từ 30 – 40kg. Các hộ cẩn thận không tự nhân giống mà mua của những hộ có chất lượng cây thạch đen tốt để trồng và có kỹ thuật canh tác thạch đen độc đáo đó là trồng vào tháng 1, tháng 2 (âm lịch).
Điều kiện tự nhiên vùng trồng thạch đen huyện Thạch An: Huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để trồng cây thạch đen, sản phẩm thạch đen khô có chất lượng tốt, độ nhớt cao rất phù hợp để chế biến thạch đen thành phẩm có chất lượng cao, mang tính đặc trưng hiếm nơi nào có được.
Tình hình sản xuất và kinh doanh cây thạch đen: Theo kết quả khảo sát các hộ trồng thạch thì có 78,89% số hộ cho rằng trồng thạch dễ trồng; 66,67% hộ cho rằng đất tại vùng Thạch An rất phù hợp cho sinh trưởng và phát triển cây thạch; 48,89% hộ cho rằng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch đen đơn giản và dễ làm; 84,44% hộ được khảo sát cho rằng cây thạch đen đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng nông nghiệp khác của hộ; 55,56% hộ cho rằng sản phẩm thạch dễ tiêu thụ.
Thị trường tiêu thụ: Nhìn chung, thị trường tiêu thụ thạch đen của các hộ trồng thạch tại huyện Thạch An là ổn định, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ được hết đến đó, vì vậy bà con nông dân yên tâm sản xuất; các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện trên 90% hộ tiêu thụ trong tỉnh theo hình thức bán buôn, có một số hộ vừa tiêu thụ trong tỉnh, vừa gửi bán lẻ đi các tỉnh ngoài.
Hiểu biết về thương hiệu và NHCN: Kết quả khả sát người dân về sản phẩm thạch đen “Thạch An” có được nhiều người biết đến không thì kết quả là 83,33% hộ trả lời là sản phẩm được nhiều người biết đến, 16,67% hộ trả lời là không;
Về Sở hữu trí tuệ và NHCN thì 100% hộ dân đều không biết. Kết quả khảo sát cho thấy 95,56% hộ không sử dụng nhãn mã, bao bì cho sản phẩm, chỉ có 5,56% hộ có sử dụng nhãn mác riêng cho sản phẩm của hộ. Đây là những hộ chế biến thành phẩm và có bao bì, nhãn mác gửi bán đi các tỉnh.
Mô hình quản lý và phát triển NHCN “Thạch An” được thành lập nhằm hỗ trợ người dân một số vấn đề như hướng dẫn quản lý và sử dụng thương hiệu “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen trên địa bàn, bảo vệ thương hiệu thạch đen Thạch An trên thị trường, hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại cho các sản phẩm, hỗ trợ tem nhãn, bao bì sản phẩm… Kết quả khảo sát cho thấy, 100% hộ không biết tham gia mô hình tổ chức, quản lý NHCN, 100% hộ cho rằng có tham gia mô hình nếu được hỗ trợ. 100% hộ dân được khảo sát cho rằng cần thiết xây dựng NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen trên địa bàn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Nội dung 2: Xây dựng các đặc tính chứng nhận của NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây Thạch đen của huyện thạch An tỉnh Cao Bằng
- Xác định tiêu chí, tiêu chuẩn cho sản phẩm thạch đen.
- Tiêu chí cảm quan
- Tiêu chí cơ lý
- Tiêu chí chất lượng dinh dưỡng.

Nội dung 3: Xây dựng quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ cây thạch đen mang NHCN “Thạch An” của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
- Đặc tính sinh trưởng
- Điều kiện trồng
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc: Chọn giống, chuẩn bị đất, lượng giống, thời vụ trồng, mật độ, bón phân và chăm sóc.
- Phòng trừ sâu bệnh
- Thu hoạch và bảo quản
- Quy trình kỹ thuật chế biến và bảo quản thạch đen thực phẩm ( thạch đen thành phẩm) mang NHCN “Thạch An”:
 Quy trình sơ chế:
Nguyên liệu và dụng cụ: Nguyên liệu thạch đen; nồi nấu thạch; màng lọc,vải lọc; Cốc nhựa, hộp nhựa; Nhiên liệu đốt
Cách làm:
Bước 1: Nguyên liệu thạch đen được rửa sạch
Bước 2: Cho thạch đen nguyên liệu vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt thạch nguyên liệu, đun trong khoảng 4 – 5h, nước cạn thì cho thêm nước vào nồi, đến khi lá thạch nhừ tan ra tạo độ nhót, để nguội.
Bước 3: Dùng màng lọc để lọc bã thạch (lọc lần 1); dùng vải sạch để lọc lần 2.
Bước 4: Tiếp tục đun và hòa bột năng theo tỷ lệ 1kg thạch nguyên liệu thì cho khoảng 0,5 – 0,8kg bột năng, (bột năng được đánh tan rồi đổ nước vào nồi nước thạch khuấy đều) cho thêm đường (lượng đường vừa đủ), tới khi nồi thạch tạo thành hỗn hợp sánh mịn.
Hỗn hợp thạch đen thành phẩm sau khi hoàn thành có thể đổ ra hộp, hoặc cốc đựng, khay chứa.
-Bảo quản sản phẩm thạch đen thành phẩm: Hộp thạch đen thành phẩm được đậy nắp và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản 3 – 5 ngày. Nếu để ở nhiệt độ thường không có ánh nắng mặt trời thì thời gian bảo quản tối đa là 2 ngày.
 
Nội dung 4: Xây dựng Logo mang NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Mẫu nhãn hiệu “Thạch đen – Thạch An” (Logo) là sự kết hợp của các yếu tố chữ, hình ảnh, màu sắc để thể hiện sự khác biệt giữa sản phẩm “Thạch đen – Thạch An” với các sản phẩm liên quan đến thạch đen khác. Logo có hiệu quả Cao khi kết hợp được ý tưởng của nguyên liệu chế biến ra sản phẩm với kỹ thuật đồ họa, đảm bảo dễ nhớ và mang lại một ấn tượng tích cực.
Chủ nhiệm dự án giới thiệu 03 mẫu logo và trình bày ý tưởng thuyết minh từng phương án và kết quả sau khi tổ chức Hội nghị xét duyệt, lựa chọn, góp ý, chính sửa và hoàn thiện mẫu logo và nhãn mác chính thức dùng cho sản phẩm thạch đen – Thạch An: Mẫu chính thức đã được bảo hộ thổng thể ngày 16/12/2020 theo Quyết định số 105683/QĐ –SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ. Mẫu nhãn hiệu này được mô tả như sau: Mẫu nhãn hiệu Thạch đen – Thạch An bao gồm phần hình và phần chữ; Màu sắc Đen, xanh lá cây. Nhãn hiệu là một tổng thể gồm: Một hình elip viền màu đen, phía trong là hình miếng thạch hình hộp chữ nhật nguyên màu đen có lá thạch màu xanh đặt phía trên miếng thạch bên trên là chữ “THẠCH ĐEN” màu đen, bên dưới là chữ “THẠCH AN CAO BẰNG” màu lá cây.

Nội dung 5: Xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
 
Nội dung 6: Xây dựng quy chế quản lý sử dụng NHCN “Thạch đen – Thạch An”:
Đã xây dựng được quy chế quản lý và sử dụng NHCN Thạch đen – Thạch An; Quy trình cấy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN “Thạch đen – Thạch An”; Quy chế sử dụng tem nhãn sản phẩm mang NHCN Thạch đen – Thạch An; Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHCN; Mô hình tổ chức quản lý NHCN
Nội dung 7: Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi hoàn thiện các nội dung, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp với UBND huyện Thạch An xây dựng Bộ hồ sơ đăng ký NHCN Thạch đen – Thạch An nộp Cục Sở hữu trí tuệ nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với NHCN Thạch đen – Thạch An, dùng cho các sản phẩm liên quan đến thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.                    
Tin khác
1 2 














image advertisement