Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu Cát sâm (Callerya speciosa Champ. ex Benth. Schot) tại huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng
Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng
Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thị Thu
Thời gian thực hiện: 2022 – 2024
I – Đặt vấn đề
Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây có khí hậu mang tính chất đặc thù của dạng khí hậu lục địa miền núi cao (khí hậu Á nhiệt đới) thể hiện 4 mùa trong năm, nhưng rõ rệt nhất là mùa hè và mùa đông, biên độ nhiệt độ thay đổi lớn. Theo kết quả điều tra cơ bản về cây thuốc ở Cao Bằng đã phát thiện 617 loài cây thuốc quý như ba kích, Cát sâm, đảng sâm, kim anh, kim ngân, hy thiêm, hà thủ ô đỏ, qua lâu... Trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn cao về hàm lượng, công dụng y học và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nguồn dược liệu quý của Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trong khi, việc bảo tồn và khai thác phát triển bền vững nguồn dược liệu quý chưa được ưu tiên quan tâm.
Đặc biệt huyện Quảng Hoà là huyện thuộc vùng mưa nhiều, lượng mưa hàng năm 1.500 - 1.900 mm, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây dược liệu sinh sống trong đó có cây Cát sâm. Tại xã Cai Bộ huyện Quảng Hoà, Cát sâm là cây vốn có trong rừng tự nhiên, đây là cây “cứu sống” nhiều hộ dân trong mùa giáp hạt trước đây. Hiện nay, khảo sát sơ bộ vài khu vực rừng, mới chỉ tìm thấy 2 - 3 khu rừng còn cây Cát sâm mọc tự nhiên và rất nhiều hố đào Cát sâm lấy củ.
Từ đặc điểm nêu trên của cây Cát sâm và điều kiện của huyện Quảng Hoà tỉnh Cao Bằng cùng kết quả tham khảo đề tài “Phát triển cây Cát sâm (Miletia speciosa) tại Quảng Ninh” Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã đề xuất và được thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu Cát sâm (Callerya speciosa Champ. ex Benth. Schot) tại huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng”
II – Kết quả nghiên cứu:
Nội dung 1: Điều tra khảo sát, thu thập cây con, hạt Cát sâm (Callerya speciosa) tại huyện Quảng Hoà và Hạ Lang để phục vụ triển khai mô hình
Qua quá trình điều tra khảo sát cây Cát sâm cho thấy đều phân bố tại các địa điểm: xã Cai Bộ, xã Bế Văn Đàn huyện Quảng Hoà và xã An Lạc huyện Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng. Theo phương pháp điều tra phòng vấn: cây Cát sâm còn được gọi là cây cứu đói vì chính cây Cát sâm đã giúp người dân vượt qua được những ngày tháng giáp hạt. Tuy nhiên, do người dân khai thác cung cấp bán sang Trung Quốc nên hiện nay số lượng cây phân bố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không còn nhiều.
Kết quả điều tra cho thấy loài Cát sâm sinh trưởng trong điều kiện sinh cảnh rừng thưa, ven rừng và ven đường đi với điều kiện môi trường sống có độ tàn che từ 0,2 - 0,4. Do vậy, Cát sâm có thể sinh trưởng, phát triển bình thường trong điều kiện trồng thuần, chịu bóng nhẹ hoặc không che bóng. Đặc điểm này rất quan trọng trong quá trình di chuyển cây Cát sâm về trồng tại vườn nhà, với đặc tính trên không cần tạo bóng cho cây Cát sâm khi trồng thâm canh.
Điều tra được 6 tuyến phân bố cây Cát sâm tại huyện Quảng Hoà và huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng. Xác định được cây Cát sâm phân bố chủ yếu ở rừng núi đất với độ tàn che 0,2 đến 0,4. Thu thập được 1.050 cây con Cát sâm và 2,6kg hạt Cát sâm.
Nội dung 2. Xây dựng vườn ươm quy mô nhỏ và nghiên cứu bổ sung hoàn thiện kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật xử lý nảy mầm hạt giống Cát sâm (Callerya speciosa)
Địa điểm lựa chọn xây dựng vườm ươm: Tại HTX Nông Lâm Nghiệp Khánh An thuộc xã Cai Bộ - huyện Quảng Hoà - tỉnh Cao Bằng.
Địa điểm được chọn đã đáp ứng được các yêu cầu sau: Gần nguồn nước tưới, thoát nước tốt, thuận tiện giao thông đi lại. Được trang bị hệ thống giàn che bằng lưới đen, tưới nước phun sương, nước sạch tưới chủ động. Hợp tác xã có đủ nhân công và nhiệt tình chăm sóc cây giống.
Diện tích vườn ươm 200m2, đáp ứng đủ để sản xuất 5.000 cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn.
Đã xây dựng được quy trình nhân giống và quy trình trồng trọt cây Cát sâm với các thông số kỹ thuật về thời vụ gieo hạt vào tháng 4 - 5; Chất kích thích sinh trưởng GA3 nồng độ 100 - 150mg/l ngâm trong 12 giờ; Thời vụ trồng quanh năm, mật độ 5.000 cây/ha, phân bón gồm 10 tấn phân chuồng hoai + 3 tấn NPK (5:10:3)/ha (bón lót 6,5 tấn phân chuồng hoai + 1 tấn NPK (5:10:3); bón thúc 3,5 tấn phân chuồng hoai + 2 tấn NPK (5:10:3) chia đều làm 2 lần/năm vào tháng 4 - 6 và tháng 9 - 10).
Nội dung 3. Xây dựng mô hình trồng cây Cát sâm (Callerya speciosa) theo hướng dẫn về thực hành trồng trọt và thu hái dược liệu tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới
Sinh thái và đất trồng cây dược liệu ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết, đất, nước của vùng đất trồng, liên quan đến sức sống, năng xuất và chất lượng sản phẩm dược liệu.
Địa điểm: chọn địa điểm có đất và nước không bị nhiễm kim loại nặng. Thuận tiện giao thông đi lại.
Ánh sáng, nhiệt độ: Ánh sáng giúp cho việc quang hợp của cây và thông qua quá trình đó mà tạo ra các chất hữu cơ. Cây Cát sâm là cây ưa sáng, thiếu ánh sáng thì cây mọc chậm, yếu ớt.
Độ ẩm: Độ ẩm cần chú ý 2 loại độ ẩm: độ ẩm không khí và độ ẩm đất, chúng đều cần thiết cho sinh trưởng của cây trồng. Tác động trực tiếp đến độ ẩm là lượng mưa và phân bố lượng mưa trong năm. Khi thiếu ẩm, mặt đất và cây trồng đều tăng cường thoát hơi nước thì cây sẽ khô, cằn cỗi.
Nguồn nước tưới: Nhiều loại cây thuốc đều ưa ẩm, nhưng kỵ úng. Nếu lượng mưa nhiều, độ ẩm cao thì sâu bệnh nhiều. Để đảm bảo độ ẩm cho cây trồng, đáp ứng đúng thời điểm sinh trưởng cần phải chủ động tưới tiêu. Nguồn nước tưới cho cây Cát sâm được đánh giá thành phần, các yếu tố gây ô nhiễm và gây độc hại cho cây trồng, để tránh các rủi ro có thể do nguồn nước gây ra như hóa chất tồn dư, kim loại nặng,...
Tiêu chuẩn cây giống Cát sâm: Chiều cao cây: 25 - 35cm; Đường kính cổ rễ: 0,25 - 0,3cm ; Tuổi cây giống: 4 - 6 tháng; Chất lượng cây giống: Cây giống khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh;
Kỹ thuật trồng cây Cát sâm: Cây Cát sâm có thể trồng ở nơi đất trống như đất sau nương rẫy, đất đồi còn tốt.
Thời vụ trồng: Quanh năm, để tỷ lệ sống cao và cây sinh trưởng tốt nên chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ.
Kỹ thuật trồng: kích thước hố 25 x 25 x 25cm. Mật độ 5.000 cây/ha. Bón lót 6,5 tấn phân chuồng hoai và 1 tấn NPK (5:10:3)/ha, trộn đều phân và đất trong hố. Bỏ vỏ bầu nhẹ nhàng, đặt cây xuống giữa hố, sau đó vun đất lấp kín cổ rễ và ấn chặt xung quanh bầu cây. Sau khi trồng cây xong phủ thảm mục hoặc rơm rạ lên kín miệng hố để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại, tưới nước trước và sau khi trồng cây xong.
Kỹ thuật chăm sóc cây Cát sâm: Chăm sóc cây Cát sâm: bón thúc 3,5 tấn phân chuồng + 2 tấn NPK (5:10:3)/ha/chia đều 2 lần bón/năm. Bón phân lần 1 từ tháng 4 - 6, lần 2 từ tháng 11 - 12 và bón vào thời gian làm cỏ
Làm giàn cho cây leo: Sau 1 năm cây vươn cao, tiến hành làm giàn cho cây leo. Dùng cọc tre chắc chắn, cắm cọc xuống đất, tạo khung sườn cho giàn theo kiểu chữ A. Sau đó, dùng dây kẽm để buộc chặt các mối nối giúp giàn vững chắc hơn.
Tưới nước: 2 - 3 lần/tuần (trong 1 - 2 tháng đầu), sau giảm dần
Sâu bệnh: Kiểm tra vườn cây thường xuyên, phòng trừ sâu bệnh
Thu hoạch: Thời gian: 2 - 4 năm; Bộ phận: toàn cây (củ, hạt, lá).
Nội dung 4. Đề xuất giải pháp phát triển cây dược liệu Cát sâm (Callerya speciosa) tại tỉnh Cao Bằng
Đã đưa ra đề xuất giải pháp phát triển cây dược liệu Cát sâm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nội dung 5. Tập huấn và tổ chức hội nghị đầu bờ "Trồng cây dược liệu Cát sâm Callerya speciosa ở xã Cai Bộ huyện Quảng Hòa"
Đã tổ chức tập huấn “Trồng cây dược liệu Cát sâm Callerya speciosa ở xã Cai Bộ huyện Quảng Hoà” với 20 người tham gia và hội nghị đầu bờ với 30 người tham gia.