Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến một số sản phẩm từ cây hồi tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên
Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Đặng Thị Tố Nga
Thời gian thực hiện: 2022 – 2024
I – Đặt vấn đề
Hồi là cây chủ lực của tỉnh Cao Bằng được đánh giá là cây thế mạnh và có giá trị kinh tế cao của huyện Thạch An, có vai trò to lớn trong việc nâng cao thu nhập của người sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là quả hồi tươi và hồi khô. Mặc dù có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất Hồi quy mô hàng hóa, trên thực tế cho thấy sản xuất Hội tại huyện Thạch An vẫn chưa phát huy được so với lợi thế của vùng, Đặc biệt khó khăn trong sơ chế, chế biến sản phẩm nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao so với tiềm năng, sản phẩm quả hồi tươi chủ yếu do các thương lái và Doanh nghiệp thu mua, hồi sấy khô. Sản phẩm hồi sấy khô bằng phương pháp thủ công nên tỷ lệ hao hụt sản phẩm cao, chất lượng giảm, giá bán sản phẩm chưa cao và ảnh hưởng đến việc bảo quản sản phẩm. Cùng với khó khăn về sơ chế sản phẩm Hồi, huyện Thạch An còn gặp nhiều khó khăn trong chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm, hiện tại địa phương chưa có sản phẩm chế biến nào về sản phẩm từ cây hồi, trong khi đó so với các vùng trồng hồi trong tỉnh và các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc thì sự đa dạng hóa sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Do vậy, cần có những nghiên cứu về sơ chế chế biến tạo ra mẫu mã sản phẩm đẹp có chất lượng tốt cũng như chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm hồi góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nần cao thu nhập phát triển có hiệu quả cây trồng chủ lực của địa phương.
Để khắc phục và giải quyết những tồn tại trên việc nghiên cứu thử nghiệm công nghệ sấy mới trong sơ chế, chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm từ cây hồi là cần thiết, qua đó nâng cao mẫu mã chất lượng sản phẩm, cũng như tạo được nhiều loại sản phẩm chế biến khác nhau từ cây Hồi, các công nghệ sấy gồm: Sấy khô hoa hồi bằng công nghệ sấy tia hồng ngoại; Công nghệ sản xuất xà phòng từ hoa hồi; Công nghệ chế biến sản xuất gia vị từ hoa hồi. Qua đó, tạo ra được công nghệ trong sơ chế, chế biến sản phẩm từ cây hồi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, phục vụ phát triển chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ cây hồi.
II – Kết quả nghiên cứu:
Nội dung 1: Điều tra khảo sát vùng hồi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Cây hồi được đánh giá là cây thế mạnh của tỉnh vừa có giá trị chế biến gia vị, vừa có giá trị trong chế biến dược liệu, vừa có tác dụng giữ đất, bảo vệ rừng. Qua điều tra cho thấy cây hồi có thể trồng được ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, với tổng diện tích 4.500ha trong đó tập trung nhiều nhất là ở huyện Thạch An với tổng diện tích là 2.031,01 ha. Theo Đề án nông nghiệp thông minh của tỉnh Cao Bằng năm 2019, tính đến năm 2025, diện tích trồng mới cây Hồi dự kiến là 500ha, trong đó trồng tập trung tại các huyện Bảo Lạc là 300 ha, Trùng Khánh 100ha, Thạch An 100ha.
Huyện Thạch An có địa hình, đất đai phù hợp, thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Những năm gần đây thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Thạch An đã tập trung phát triển cây lâm nghiệp hàng hóa, trồng các loại cây có lợi thế và hiệu quả kinh tế cao, trong đó, cây hồi đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo hiệu quả bởi cây hồi rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vừa có tác dụng giữ đất, bảo vệ rừng, vừa có giá trị kinh tế cao. Do đó, chính quyền huyện Thạch An đưa cây hồi vào chiến lược phát triển kinh tế của huyện, định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo tại địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng hồi. Đến nay, diện tích hồi trồng tập trung tại các xã: Lê Lai, Lê Lợi, Đức Xuân, Đức Long, Thụy Hùng, Vân Trình và Trọng Con. Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển trồng hồi với tổng diện tích tăng thêm 100 ha, thực hiện tại các xã Lê Lai, Vân Trình, Đức Xuân, Thụy Hùng, Đức Long, Quang Trọng, Thị trấn Đông Khê. Từ trồng hồi, phần lớn các hộ dân có thu nhập trung bình 20 - 30 triệu đồng/năm, có một số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi, người dân thu hoạch đến đâu tư thương thu mua đến đó, tuy nhiên giá cả bấp bênh do phụ thuộc hoàn toàn vào việc tư thương bán sang Trung Quốc. Người dân mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng quan tâm tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định; tiếp tục có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa hồi sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại huyện Thạch An, sản phẩm hồi tiêu thụ chủ yếu ở dạng hồi tươi với hình thức mua bán qua tư thương địa phương thu gom trên địa bàn huyện và thương lái từ Lạng Sơn, một số ít được bà con giữ lại phơi khô rồi mới bán dần quanh năm, do còn hạn chế trong áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng hồi khô còn chưa cao, việc tiêu thụ chủ yếu vào các ngày chợ phiên ở huyện. Hiện nay, tại địa phương chưa có cơ sở chế biến hồi, do vậy rất cần có các công nghệ nghiên cứu sơ chế chế biến sản phẩm từ cây hồi tại địa phương.
Mặc dù có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất Hồi quy mô hàng hóa, trên thực tế cho thấy sản xuất Hồi tại huyện Thạch An vẫn chưa phát huy được so với lợi thế của vùng, đặc biệt là những khó khăn trong sơ chế, chế biến sản phẩm từ cây hồi nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao so với tiềm năng. Kết quả thống kê của Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho thấy sản phẩm hồi tại địa phương đang được thương lái và Doanh nghiệp thu mua chủ yếu là hoa quả hồi tươi, hoa quả hồi sấy khô. Sản phẩm hồi sấy khô bằng phương pháp thủ công nên tỷ lệ hao hụt sản phẩm cao, chất lượng giảm, giá bán sản phẩm chưa cao và ảnh hưởng đến cả việc bảo quản sản phẩm. Cùng với khó khăn về sơ chế sản phẩm Hồi, huyện Thạch An còn gặp nhiều khó khăn trong việc chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm, hiện tại ở địa phương chưa có cơ sở chế biến nào về sản phẩm từ cây hồi, trong khi đó so với các vùng trồng hồi trong tỉnh và ở các tỉnh khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc thì sự đa dạng hóa sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Do vậy, rất cần có những nghiên cứu về sơ chế, chế biến tạo ra mẫu mã sản phẩm đẹp có chất lượng tốt, cũng như chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm hồi góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập phát triển có hiệu quả cây trồng chủ lực của địa phương.
Nội dung 2: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật chế biến các sản phẩm từ cây hồi:
Sấy hoa quả hồi bằng công nghệ tia hồng ngoại ở nhiệt độ 700C, khối nguyên liệu dày 5 cm, trong thời gian 4h cho sản phẩm hoa quả hồi khô tốt nhất. Chưng cất tinh dầu hồi ở thời gian 650 phút + nhiệt độ chưng cất 115oC với dung môi nước cho kết quả tốt nhất, hàm lượng Trans-Anethol cao nhất đạt 84,76%, sản phẩm tinh dầu thu được có đặc điểm cảm quan đặc trưng của tinh dầu hồi. Chế biến bột gia vị thịt nướng sấy hồi ở nhiệt độ 850C, sử dụng chất chống vón Tixosil 38 (%), nghiền ở chế độ 30 phút, phối trộn 10% bột hoa hồi + chất phụ gia (muối, bột gạo, tiêu, hành tây, tỏi, hương vị) cho sản phẩm bột gia vị có chất lượng tốt nhất. Sử dụng 75 NaOH 30%+ 100 Dầu dừa + 100 Dầu thực vật (Olein 80%, đầu nành 20%), phối trộn bột hồi với tỷ lệ 0,48%, phối trộn bột than tre với tỷ lệ 0,1% cho kết quả tốt nhất về độ pH và NaOH của sản phẩm xà phòng. Đã xây dựng được quy trình kỹ thuật chế biến các sản phẩm từ hoa quả hồi.( 01 quy trình kỹ thuật sấy khô hoa bằng công nghệ sấy tia hồng ngoại; 01 quy trình chế biến sản phẩm tinh dầu hồi bằng công nghệ chưng cất gián đoạn và chế biến gia vị, xà phòng từ hoa hồi.
Nội dung 3: Xây dựng mô hình chế biến sản phẩm từ cây hồi tại huyện Thạch An
Xây dựng được mô hình chế biến sản phẩm từ hoa qua hồi, sản xuất được 1000 túi hoa quả hồi sấy khô, 1000 lọ tinh dầu hồi, 500 gói bột gia vị thịt nước và 200 bánh xà phòng; Thiết kế được lô gô, nhãn mác sản phẩm, xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm chế biến từ hoa quả hồi
Nội dung 4: Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở về kỹ thuật sấy và chế biến các sản phẩm từ cây Hồi: Đào tạo tập huấn được 05 kỹ thuật viên về chế biến sản phẩm từ hoa quả hồi
III – Kiến nghị:
Đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiền, mở rộng cơ sở chế biến sản phẩm từ hoa quả hồi; Nghiên cứu phát triển tiếp các sản phẩm từ hoa quả hồi như nước lau nhà, nước hoa, rượu hồi...; Nghiên cứu đăng ký sản phẩm OCCOP cho các sản phẩm chế biến từ hoa quả hồi; Đầu tư về giống, kỹ thuật canh tác và phối hợp phát triển sản xuất hồi theo chuỗi hàng hóa để đem lại hiệu quả kinh tế cao; Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để các sản phẩm đạt được các chứng nhận an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng, định hướng thương mại hóa sản phẩm trên quy mô công nghiệp; Đối với chính quyền địa phương: Ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm từ hoa quả hồi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghiên cứu và xây dựng phương án hỗ trợ nhân rộng kết quả đề tài nghiên cứu KH&CN.