Hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa
Việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Sản phẩm của Công ty TNHH Cao Tuyền được hỗ trợ đối với
hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Cụ thể, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn số 1909/HD-UBND ngày 26/7/2022 thực hiện Nghị quyết số 93/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết đã mở ra chính sách thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp tại địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông phổ biến về năng suất chất lượng, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các công cụ hỗ trợ cho sản suất thông minh, dịch vụ thông minh, năng suất xanh vào Doanh nghiệp, Hợp tác xã ( DN, HTX) thông qua các hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức về năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm hàng hóa. Thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đầy nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh, đã hỗ trợ được 10 tổ chức, cá nhân, HTX, với tổng số kinh phí hỗ trợ là hơn 300 triệu đồng, cụ thể:
Năm 2024, Tỉnh đã hỗ trợ hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH Một thành viên Chiến Bình Cao Bằng với kinh phí hỗ trợ là 60 triệu đồng; hỗ trợ 01 sản phẩm công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật với kinh phí hỗ trợ là 30 triệu đồng; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 là 30 triệu đồng.
Trước đó, giai đoạn 2021 - 2024, Tỉnh đã hỗ trợ hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX Nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo với tổng kinh phí hỗ trợ là 20 triệu đồng; hỗ trợ đối với hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH Cao Tuyền 70 triệu đồng (Sản phẩm chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000: 2018: 30 triệu đồng, sản phẩm chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn theo tiêu chuẩn HACCP CODEX 2020: 30 triệu đồng, công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm bún phở gạo Lứt Cao Tuyền); hỗ trợ hoạt động năng suất, chất lượng sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Lực 60 triệu đồng (Sản phẩm Gạch bê tông, kiểu loại 2 lỗ 10 x 105 x 60mm, M7,5; 2 lỗ, 250 x 150 x 100mm, M7,5 và 2 lỗ, 360 x 170 x 120mm, M7,5 phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2019/BXD: 30 triệu đồng; Hỗ trợ sản phẩm cát nghiền cho bê tông phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16: 2019/BXD: 30 triệu đồng.); hỗ trợ hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của hộ kinh doanh Hoàng Thị Phượng 20 triệu đồng cho 02 sản phẩm công bố tiêu chuẩn cơ sở (Tương Mẹc Cảng, Bánh khảo Thanh Quyên); hỗ trợ tài chính đối với hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX Dịch vụ thương mại và Xây dựng Nông lâm nghiệp Hòa Thuận 30 triệu đồng (về sản phẩm nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt); hỗ trợ HTX phát triển dịch vụ nông nghiệp Đường Long 20 triệu đồng cho 02 sản phẩm công bố tiêu chuẩn cơ sở; hỗ trợ tài chính hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phan Hoàng 20 triệu đồng cho 02 sản phẩm công bố tiêu chuẩn cơ sở; hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX Thuận Phong 20 triệu đồng cho 02 sản phẩm xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở (đối với sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia)…
Ngoài việc hỗ trợ ra tỉnh còn đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Năm 2023 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, mã số, mã vạch, TXNG sản phẩm hàng hóa, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, các giải pháp ứng dụng (chuyển đổi số, sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, du lịch thông minh…), cho cán bộ quản lý HTX và thành viên trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng KH&CN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; tổ chức 01 lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc cho 40 doanh nghiệp tham gia hệ thống của tỉnh. Năm 2024, 02 công chức Sở KH&CN tham gia khóa đào tạo về đánh giá chỉ số các nhân tố tổng hợp TFP; tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và Hội thảo Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Tiếp tục đầu tư nâng cấp phòng thử nghiệm Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cao Bằng trở thành phòng thử nghiệm của tỉnh, đạt tiêu chuẩn Quốc tế ISO/IEC 17025:2017...
Có thể nói hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đã được nhiều kết quả như: Hoạt động truyền thông về năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; hỗ trợ chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thông qua các chương trình hỗ trợ đã đem lại một số lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể gia tăng được năng suất chất lượng (NSCL), giảm các lãng phí, nhân công của doanh nghiệp và học hỏi được những kinh nghiệm triển khai các công cụ NSCL. Một số doanh nghiệp tham gia vào chương trình, ngoài việc có được hệ thống quản lý bài bản theo năng lực và sự cần thiết, doanh nghiệp còn tiết kiệm được chi phí và nâng cao NSCL. Đồng thời từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021-2025 đã hỗ trợ: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; DN, HTX tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Cao Bằng; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở…
Trong thời gian tới tỉnh Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến để nâng cao NSCL và khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sản xuất tại địa phương; Thúc đẩy nâng cao NSCL của DN gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, bảo đảm các quy định về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn thông tin và trách nhiệm xã hội. Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh...