Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hóa – xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 182

Cơ quan chủ trì thực hiện: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Lê Thị Bích Thủy

Thời gian thực hiện: 2020 – 2023

 

I – Đặt vấn đề

Một là, tri thức bản địa là một thành tố quan trọng làm nên văn hóa của một tộc người. Tri thức bản địa xét cả về phương diện khoa học và thực tiễn có thể coi là tài sản của một tộc người trong quá trình phát triển, phản ánh mối quan hệ của từng cộng đồng đối với môi trường tự nhiên và xã hội

Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn cầu hóa như là một xu thế tất yếu của sự phát triển nhân loại, thì việc nghiên cứu văn hóa của một tộc người không chỉ giúp cho việc hiểu biết sâu sắc hơn, đầy đủ hơn một nền văn hóa, quan trọng hơn là từ những giá trị văn hóa của cha ông tìm ra, chỉ ra những giá trị, tạo nên sức mạnh để có thể giúp cho tộc người đó không chỉ đứng vững với tư cách là một tộc người, mà có đủ bản lĩnh và sức mạnh hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Sức mạnh của một tộc người là trên nền tảng văn hóa của mình sáng tạo ra những giá trị mới, nhưng cũng đủ năng lực chọn lựa những giá trị văn hóa của tộc người khác trong qua trình giao lưu văn hóa, bản địa hóa cho phù hợp với những điều kiện tự nhiên và môi trường cụ thể, để phát triển, thì tộc người đó có thể hội nhập mà không sợ hòa tan.

Mỗi tộc người trong quá trình tồn tại và phát triển của mình đều sáng tạo một phức hợp văn hóa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội trong một không gian sinh tồn và ghi đậm những dấu ấn của điều kiện tự nhiên cũng như môi trường xã hội nơi tộc người đó sinh sống. Trong một quốc gia đa tộc người thì nền văn hóa của quốc gia-dân tộc chính là sự đóng góp các thành tố văn hóa của các tộc người sinh sống trong quốc gia đó. Như là một thành tố (component) của văn hóa tộc người nên tri thức bản địa của các tộc người rất đa dạng. Mỗi tộc người trong những điều kiện cụ thể của môi trường tự nhiên, xã hội có một kho tàng tri thức riêng của mình

Hai là, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển bền vững thì những tri thức bản địa của các tộc người thiểu số được tích lũy trong quá trình hình thành, phát triển có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng

Trong những thập kỷ qua cho thấy cách tiếp cận khoa học và công nghệ hiện đại không đủ đáp ứng những thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường... mà ngày nay chúng ta đang phải đương đầu như tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, biến đôi khí hậu tác động mnh mẽ tới tất cả các vùng miền. Đói nghèo, bệnh tật và sự phân hóa giàu nghèo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, không chỉ diễn ra trên bình diện toàn thế giới mà ở từng quốc gia, từng tộc người. Vấn đề an ninh lương thực, vấn đề xung đột tộc người, tôn giáo, do những khó khăn về trình độ phát triển kinh tế, xã hội nên các tộc người thiểu số dễ bị tổn thương bởi các dự án phát triển. Ngược lại, rất nhiều tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số ngày càng được đánh giá cao trong bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,... Những tri thức bản địa là nền tảng cơ sở để đưa ra những quyết định về nhiều phương diện cơ bản của cuộc sống hàng ngày tại địa phương, đã đưa lại hiệu quả cao, được thử thách và chọn lọc trong một thời gian dài, có sẵn tại địa phương, phù hợp với phong tục tập quán của tộc người đã từng có vai trò rất quan trọng trong đời sống của họ.

Ba là, trong những thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy “các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam ”, “khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hoá giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”1. Tuy nhiên, so với vùng đồng bằng, đời sống kinh tế, văn hóa và môi trường ở các vùng miền núi vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do hiểu sai về tri thức bản địa của đồng bào dân tộc nên khi áp dụng các phương pháp hiện đại vào sản xuất đã không đem lại không hiệu quả. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu tri thức bản địa đồng bào dân tộc thiểu số để có sự phù hợp giữa tri thức bản địa và tri thức hiện đại vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương hiện nay.

Bốn là, dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng có vốn tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội phong phú, gắn bó và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch. Mỗi một tri thức có vai trò riêng, ví dụ như: Tri thức trong văn hóa ẩm thực giúp tạo ra những đặc sản vùng, tri thức về nghệ thuật truyền thống, lễ hội,... phục vụ cho phát triển du lịch; Tri thức về phong tục, tín ngưỡng của đồng bào giúp làm giàu bản sắc văn hóa, bảo vệ an ninh biên giới, giúp nhà nước quản lý, điều hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; Tri thức về các bài thuốc dân gian có ý nghĩa thiết thực trong chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và khai thác phát triển du lịch,... Tuy nhiên, trước xu thế phát triển những tri thức bản địa của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ mai một, một số tri thức về sinh hoạt văn hoá - xã hội không phát huy được vai trò trong phát triển du lịch tại địa phương

Năm là, khai thác, sử dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của các dân tộc chính là gia tăng nguồn lực cho phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Cao Bằng là tỉnh miền núi thuộc địa đầu của Tổ quốc, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, xa các trung tâm kinh tế của đất nước, giao thông đi lại khó khăn. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Cao Bằng đã có bước phát triển khá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, cho đến nay, Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo và chậm phát triển, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc còn rất nhiều khó khăn. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng vừa qua đã đề ra mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển, đồng thời xác định rất rõ phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế để bứt phá vươn lên. Việc nghiên cứu, khai thác, sử dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của các dân tộc thiểu số vào phát triển du lịch chính là một cách thức phát huy tiềm năng, lợi thế, gia tăng nguồn lực cho phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Vì vậy, việc nghiên cứu “Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng" có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng một cách hiệu quả nhất

II – Kết quả nghiên cứu:

Nội dung 1:Cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu tri thức bản địa của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch ở tỉnh Cao Bằng

Phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hoá đặc trưng của mỗi cộng đồng dân tộc đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong lĩnh vực du lịch. Cao Bằng là tỉnh miền núi thuộc địa đầu của Tổ quốc Việt Nam và có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay,... Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng đều có kho tàng tri thức bản địa độc đáo, đa dạng và phong phú. Trong đó, cộng đồng người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có đời sống văn hoá - xã hội phong phú và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch. Những giá trị văn hoá truyền thống của người Tày, Nùng mang đậm bản sắc văn hoá tộc người và là tiềm năng văn hoá phong phú trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng như: đặc trưng trong văn hóa ẩm thực giúp tạo ra những đặc sản vùng, tri thức về nghệ thuật truyền thống, lễ hội,. phục vụ cho phát triển du lịch. Những đặc điểm riêng biệt về phong tục, tín ngưỡng của đồng bào giúp làm giàu bản sắc văn hóa, tri thức về các bài thuốc dân gian có ý nghĩa thiết thực trong chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và khai thác phát triển du lịch,...

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương và ban hành nhiều chính sách pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng đã xây dựng nhiều đề án, ban hành nhiều văn bản nhằm khai thác tiềm năng du lịch tự nhiên, tiềm năng du lịch văn hoá để xây dựng các sản phẩm du lịch. Trong đó, tập trung khai thác các giá trị đặc trưng văn hoá tộc người và di sản thiên nhiên của Công viên đại chất non nước Cao Bằng trong phát triển du lịch Cao Bằng. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng nói riêng gắn với phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần “bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”, thay đổi sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Nội dung 2: Tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng trong phát triển du lịch

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa riêng, tạo nên bức tranh văn hóa phong phú và độc đáo, trải qua suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc luôn phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

Cộng đồng người Tày, người Nùng ở tỉnh Cao Bằng đã sáng tạo nên những di sản văn hóa truyền thống độc đáo chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giá trị văn hóa trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi; cất trữ và chế biến thức ăn; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên,.. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào còn được thể hiện sinh động qua các loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống, trang phục, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công, ẩm thực, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư,... Mỗi loại hình văn hóa ở mỗi dân tộc lại có một cách biểu đạt riêng và màu sắc riêng. Chính sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa truyền thống đã tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.

Văn hóa truyền thống của người Tày, người Nùng ở tỉnh Cao Bằng rất phong phú, đa dạng. Mọi thành tố văn hóa truyền thống từ cách ứng xử với môi trường tự nhiên, ứng xử với môi trường xã hội đến văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng đều đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc đều mang vẻ đẹp hấp dẫn riêng. Trong quá trình phát triển, các dân tộc đều có sự giao lưu văn hoá góp làm cho bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc càng đặc sắc và phong phú hơn. Đây là nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững. Do đó, cần khai thác phát huy giá trị tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá cộng đồng gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở một số làng, bản có nhiều đồng bào người dân tộc sinh sống, nhằm thay đổi sinh kế và góp phần giảm nghèo, tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào

Nội dung 3: Tri thức bản địa về đời sống xã hội cộng đồng của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng trong phát triển du lịch

Trong đời sống xã hội cộng đồng, người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng đã sáng tạo nên những di sản văn hóa truyền thống độc đáo chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giá trị văn hóa trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như: tri thức bản địa trong tổ chức không gian cư trú, tổ chức gia đình và dòng họ, tri thức bản địa về điều hành quản lý xã hội và chăm sóc sức khoẻ,... Những tri thức bản địa này được người dân ý thức gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ thông qua các hình thức giáo dục, truyền dạy khác nhau cho các thế hệ con cháu.

Sự độc đáo và đa dạng trong tri thức bản địa về đời sống xã hội cộng đồng đã tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Đây là nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững. Nhờ đó, hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở một số làng, bản có nhiều đồng bào người dân tộc tàym Nùng sinh sống bước đầu đem lại kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo, tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào như các sản phẩm: Kiến trúc là nhà sàn miền núi, ẩm thực dân tộc và văn hóa truyền thống Tày, Nùng Tri thức bản địa là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại, bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thực phẩm, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội; cung cấp chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương. Đồng thời những tri thức bản địa trong tổ chức gia đình, dòng họ và tri thức bản địa trong điều hành quản lý xã hội sẽ góp phần điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và xây dựng khối đoàn kết bền chặt trong cộng đồng.

Nội dung 4: Giải pháp ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng

Việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng dựa trên các căn cứ như: Cấp độ phát triển của tri thức, tính động và tính liên tục của tri thức, khả năng phát triển của từng tri thức, sẽ tạo cơ sở xây dựng những giải pháp bảo tồn phù hợp với bản chất tri thức bản địa của người Tày, Nùng trong quá trình phát triển bền vững.

Thực trạng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của người Tày, Nùng trên các lĩnh vực trong quá trình phát triển đã giúp chúng ta có sự nhận diện chung về xu hướng biến đổi của người Tày, Nùng trong quá trình phát triển. Xu hướng này được diễn ra theo hai xu hướng chính: Xu hướng mai một tri thức bản địa và xu hướng phát huy tri thức bản địa trong phát triển của cộng đồng. Hai xu hướng này biến đổi trong quá trình phát triển dưới sự tác động của kinh tế, văn hóa, xã hội của người Tày, Nùng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của người Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng có ý nghĩa thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Ngoài những giải pháp chung, những giải pháp cụ thể của từng tri thức trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, sẽ góp phần bảo tồn và phát huy tri thức hiệu quả hơn tại các địa phương có người Tày, Nùng sinh sống.

III – Kết luận và kiến nghị:

Tri thức bản địa dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng là nguồn tài nguyên phong phú được đồng bào tích lũy, ứng dụng trong đời sống sản xuất từ bao đời nay. Tri thức bản địa của dân tộc Tày, Nùng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sinh kế. Đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững như tri thức trồng trọt, chăn nuôi, tri thức khai thác dược liệu, nghề thủ công truyền thống, văn hoá truyền thống, phong tục tập quán,... Hiện nay, những tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng đang được sử dụng hiệu quả và đem lại giá trị thiết thực trong đời sống của cộng đồng.

Tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng luôn có sự thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Giữa tri thức bản địa của người Tày, Nùng có sự hài hòa với tri thức khoa học. Điều đó đặt ra một yêu cầu cấp thiết là cần bảo tồn và phát huy ứng dụng tốt các tri thức bản địa vào phát triển kinh tế hiện nay, tránh sự mai một những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng.

Tùy vào đặc trưng của từng tri thức để có cách bảo tồn và ứng dụng khác nhau. Cần bảo tồn và ứng dụng tri thức trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống và căn cứ vào đặc tính riêng của tri thức cụ thể: Căn cứ vào cấp độ phát triển của tri thức; Căn cứ vào tính động và tính liên tục của tri thức; Khả năng phát triển của từng tri thức; Tính chất sở hữu của tri thức bản địa. Ngoài ra bảo tồn và ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của người Tày, Nùng cần dựa trên xu hướng biến đổi cụ thể: Xu hướng mai một tri thức và xu hướng phát huy tri thức trong cộng đồng người Tày, Nùng

Với mỗi tri thức cần có những giải pháp riêng và cụ thể hơn. Để đảm bảo tính khách quan và gắn với thực tiễn hiện nay thì với từng loại tri thức sẽ phải vừa có bảo tồn vừa có phát huy ứng dụng hiệu quả. Mỗi một tri thức cần tôn trọng các giá trị truyền thống và tùy vào nhận thức của từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng. Sự vào cuộc của các cấp ngành, của chính quyền địa phương là rất cần thiết trong bảo tồn và ứng dụng tri thức.

 Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã rất quan tâm, tạo điều kiện và thực hiện nhiều chính sách bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc Tày, Nùng gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Hiện nay, các loại hình du lịch và mô hình du lịch ở tỉnh Cao Bằng vẫn còn chậm phát triển và gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh còn chưa cao đã gây khó khăn trong việc di chuyển, tham quan của khách du lịch. Phần lớn các tài nguyên du lịch, các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa nằm xa khu vực trung tâm và khoảng cách giữa các khu, điểm du lịch xa nhau nên sự liên kết giữa các điểm du lịch rời rạc đã không phát huy được giá trị khai thác chuỗi sản phẩm du lịch trong toàn tỉnh; Một số tài nguyên du lịch ở các điểm du lịch trong toàn tỉnh đã có nhà đầu tư nhưng tiềm lực tài chính còn hạn chế, quá trình đầu tư xây dựng kéo dài,... nên các sản phẩm du lịch chưa đáp đứng được nhu cầu của du khách. Một số điểm du lịch đầu tư đã lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp nhưng không được đầu tư trùng tu, sửa chữa kịp thời dẫn đến ảnh hưởng chung đến không gian, mất mỹ quan của điểm du lịch; Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, giao lưu giữa các nền văn hóa, đã tác động rất lớn đến bản sắc văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là văn hóa truyền thống dân tộc bản địa dần dần bị mai một, biến đổi, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn, phát triển và không gian phục vụ khách du lịch; Ý thức bảo về môi trường, tài nguyên du lịch của một số tổ chức, người dân, du khách kém, gây hưởng không nhỏ đến môi trường và tài nguyên du lịch tại các điểm du lịch trong tỉnh; Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chưa có nhiều công ty du lịch lữ hành để tham gia xây dựng tuor, tuyến và chương trình du lịch. Bên cạnh đó, một số công ty du lịch của tỉnh chưa có sự liên kết chặt chẽ và rộng rãi với các công ty du lịch lữ hành khác bên ngoài tỉnh để khai thác và liên kết các tuor du lịch trong tỉnh và liên tỉnh; Nguồn nhân lực du lịch địa phương và hướng dẫn viên du lịch là người cộng đồng dân tộc tại các điểm du lịch và bon du lịch cộng đồng chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng, nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách nên khó thoả mãn tối đa sự hài lòng của du khách khi tới tham quan du lịch,... Do đó, cần thiết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tri thức bản địa về sinh hoạt văn hoá - xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng.

 

Theo Báo cáo thực hiện nhiệm vụ KH&CN
Tin khác
1 2 3 














image advertisement