Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh Rau ngót rừng (Melientha suavis Pierre) theo hướng VietGap trên địa bàn huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Kỹ thuật lâm sinh
Chủ nhiệm nhiệm vụ: Ths. Phan Thị Luyến
Thời gian thực hiện: 2022 – 2024
I – Đặt vấn đề
Rau ngót rừng (Melientha suavis Pierre), là cây lâm sản ngoài gỗ, thuộc họ Sơn Cam (Opiliaceae). Ở Việt Nam có tên gọi khác Rau sắng, Rau mì chính, Rau ngót quế, người Dao gọi là Lai cam, người Mường gọi là Tắc sắng, người Tày và Thái gọi là Pắc van. Cây gỗ thường xanh, sống lâu năm; chiều cao lên tới 10-15m, đường kính thân 20-30 cm; vỏ dày, màu xám nhạt, gỗ trắng; lá đơn, mọc so le, hình ngọn giáo. Cây có phân bố tự nhiên ở một số tỉnh nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, .... Tại tỉnh Cao Bằng, đây là rau đặc sản rừng, có phân bố tại các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, .. tập trung nhiều nhất ở huyện Nguyên Bình
Lá và hoa được sử dụng làm thức ăn, có vị bùi ngọt và hàm lượng protein cao. Ngoài ra, lá và rễ cây còn được sử dụng làm thuốc có tác dụng hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, cây trồng một lần và cho thu hoạch vài chục năm, khi cây cho năng suất ổn định, uớc tính một cây cho thu hoạch 3 - 5kg lá tươi/cây/năm với giá bán hiện nay từ 150.000 - 200.000đồng/kg, tuy giá cả đắt hơn so với nhiều loại rau khác nhưng vẫn chưa đủ để phục vụ nhu cầu thị trường.
Nguyên Bình nằm trong vùng quy hoạch phát triển các loại rau của tỉnh (Đề án số 21/ĐA-TU ngày 30/8/2019 của tỉnh ủy Cao Bằng về Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030), với độ cao trung bình 800 - 1.100m, chia thành 2 vùng là vùng núi đá và vùng núi đất; khí hậu miền núi nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 20°C; lượng mưa trung bình hàng năm là 1.670 mm; độ ẩm không khí bình quân 82%; phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển của Rau ngót rừng. Từ trước đến nay, người dân chủ yếu thu hái từ rừng và chưa quan tâm đến việc tái sinh của cây con, cũng như gây trồng nên số lượng cây ngày càng giảm. Để phát triển loại rau nhiều tiềm năng này trên địa bàn huyện Nguyên Bình cần có những nghiên cứu bổ sung về đặc điểm sinh thái, phân bố và hoàn thiện biện pháp kỹ thuật gây trồng để phù hợp với điều kiện lập địa của huyện; từ đó xây dựng mô hình trình diễn để quảng bá sản phẩm đặc sản, phát triển vùng trồng rau mới theo hướng dẫn VietGap.
Vì vậy, đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh Rau ngót rừng (Melientha suavis Pierre) trên địa bàn huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” được thực hiện có ý nghĩa khoa học và thực tiễn
II – Kết quả nghiên cứu:
Nội dung 1: Đánh giá hiện trạng phân bố và thị trường tiêu thụ Rau ngót rừng tại Cao Bằng
Rau ngót rừng có phân bố tại 4 huyện: Huyện Nguyên Bình tại các xã Vũ Minh, Triệu Nguyên, Phan Thanh, Thành Công; huyện Quảng Hòa tại các xã Quốc Toản, Tiên Thành; huyện Thạch An tại các xã Vân Trình, Đức Thông, Minh Khai, Thái Cường; huyện Trùng Khánh tại các xã Khâm Thành, Ngọc Khê, Cao Thăng; trong đó huyện có số lượng cây phân bố nhiều nhất là huyện Nguyên Bình. Theo người dân địa phương, hiện nay số lượng cây giảm đi, nhiều cây bị chặt hạ, ít cây tái sinh; do người dân khi thu hái tận thu toàn bộ cành lá non, hoa, kể cả mầm non của những cây mới tái sinh. Vì vậy, trong rừng rất ít cây có quả để tái sinh tự nhiên, cũng như thu hái quả để phục vụ nhân giống
- Về thực trạng gây trồng:
+ Chủ yếu là cây mọc trong rừng tự nhiên, trong 46 hộ gia đình được phỏng vấn có 8 hộ đánh cây từ rừng về trồng, số lượng từ 3-5 cây/hộ. Cây con đánh từ rừng về thường để rễ trần, vận chuyển không đảm bảo; đánh về mùa nào thì trồng mùa đó nên tỷ lệ sống thấp.
+ Phương pháp trồng: Các hộ gia đình tận dụng khoảng trống trong vườn hộ, trồng xen với các loại cây khác trong vườn; cuốc hố 20x20x20cm; không chú ý đến chăm sóc, không bón phân hoặc bón phân chuồng kết hợp với bón các loại cây khác trong vườn.
- Về thời gian và phương thức thu hái sản phẩm:
+ Thu hái từ tháng 2-4 hàng năm.
+ Sản phẩm chính là lá non và hoa.
+ Phương thức thu hái: Dùng tay bẻ cành non, hoa; đối với cây cao dùng dao chặt cành.
- Về giá trị sử dụng:
+ Lá, hoa được chế biến thành các món canh, món xào; nấu bột, nấu cháo cho trẻ em
+ Giá bán hiện tại đối với lá non 10.000-15.000đ/bó (100.000 - 150.000đ/kg); hoa 200.000 - 250.000đ/kg
Nhìn chung, Rau ngót rừng được đánh giá là loài rau rừng đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Sản phẩm chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, ít chú trọng tới gây trồng. Vì vậy, muốn đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, cần khai thác một cách bền vững, kết hợp gây trồng bổ sung.
* Thị trường tiêu thụ:
- Mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm Rau ngót rừng hoàn toàn là tự phát, không có sự liên kết; chưa có một hợp tác xã/doanh nghiệp/cửa hàng nào đứng ra thu mua.
- Sản phẩm bán ngay tại địa phương thông qua các cá nhân thu mua hoặc người dân mang trực tiếp ra chợ bán, một số ít được bán ra thị trường bên ngoài tỉnh: 66% hộ tự đem ra chợ bán và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; 30% bán cho người thu mua, người bán buôn, bán lẻ trong tỉnh và 4% tiêu thụ khác (bán cho người mua ngoài tỉnh, bán qua mạng,...).
- Lượng sản phẩm bán ra hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vấn đề hiện tại là cần mở rộng diện tích trồng; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; tạo ra sản phẩm an toàn theo hướng dẫn VietGap và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; nhằm hướng tới sản xuất nông lâm nghiệp bền vững.
Nội dung 2: Nghiên cứu bổ sung biện pháp kỹ thuật nhân giống rRau ngót rừng bằng hạt và bằng giâm hom:
- Nhân giống bằng phương pháp gieo hạt: Công thức ruột bầu tốt nhất 95% đất + 5% phân hữu cơ vi sinh; công thức che sáng tốt nhất là 50% ánh sáng trực xạ.
Hạt giống Rau ngót rừng: Đường kính hạt từ 13,3 -16,1mm, chiều dài hạt từ 26,0 - 30,1mm; 1kg hạt có từ 197 hạt đến 208 hạt; độ thuần của hạt giống: 91,5%; tỷ lệ nảy mầm: 87,3%; thế nảy mầm: 39,7%; hàm lượng nước trong hạt: 37,7%; thời gian hạt bắt đầu nảy mầm: 22 ngày sau khi gieo; thời gian hạt kết thúc nảy mầm: 35 ngày sau khi gieo
- Nhân giống bằng phương pháp giâm hom: Chế phẩm hữu cơ Bio Root 01-1 và vụ Xuân là vụ cho kết quả giâm hom tốt nhất.
Nội dung 3: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, kết hợp với xây dựng mô hình trồng thâm canh Rau ngót rừng theo hướng dẫn VietGap tại vườn hộ:
Xây dựng 1,0ha mô hình trồng cây Rau ngót rừng theo hướng VietGap, trong đó 0,2 ha kết hợp với thí nghiệm bón phân và cho thấy công thức bón lót 5kg phân chuồng hoai + 0,1 kg vôi bột hoặc 1kg phân hữu cơ vi sinh + 0,1 kg vôi bột là tốt nhất
Đã xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng thâm canh Rau ngót rừng theo hướng VietGap tại vường hộ.
Nội dung 4: Tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng Rau ngót rừng và hội thảo
Đề tài đã tổ chức được 02 lớp đào tạo, tập huấn tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng hoàn thành 100% kế hoạch đề ra theo thuyết minh, bao gồm: 01 lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống Rau ngót rừng, 01 lớp tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh Rau ngót rừng gồm:20 học viên là các hộ tham gia xây dựng mô hình và hộ dân mong muốn mở rộng diện trồng, tìm hiểu về cây Rau ngót rùng; 05 học viên là cán bộ kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện Nguyên Bình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyên Bình. Trong số các học viên tham dự có 36,67% là nữ giới, 80% là đồng bào dân tộc thiểu số
Hội thảo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm:
Đề tài đã tổ chức được 01 hội thảo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Hội thảo với sự tham gia của đại diện đơn vị chủ trì đề tài, Phòng NN&PTNT huyện Nguyên Bình, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyên Bình, nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, đại diện hộ tham gia xây dựng mô hình, hộ kinh doanh sản xuất trên địa bàn huyện Nguyên Bình. Hội thảo đã giới thiệu, trao đổi về kết quả nghiên cứu của đề tài, đề xuất định hướng phát triển và liên kết tiêu thụ sản phẩm Rau ngót rừng.