Điều tra đánh giá thực trạng một số cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị ở tỉnh Cao Bằng làm cơ sở đề xuất biện pháp gây trồng phục vụ công tác phát triển rừng kinh tế
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Lê Văn Thành
Đơn vị chủ trì: Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam
Thời gian thực hiện: 2010-2011
I. Đặt vấn đề
Lâm sản ngoài gỗ là nguồn tài nguyên có giá trị đặc biệt của hệ sinh thái rừng. Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) không những góp phần cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến biến lâm sản còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, làm tăng giá trị kinh tế của rừng. Để phát huy lợi thế là tỉnh có các cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã triển khai thực hiện đề tài “Điều tra đánh giá thực trạng một số lài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao ở tỉnh Cao Bằng làm cơ sở đề xuất biện pháp gây trồng phục vụ công tác phát triển rừng kinh tế”. Đề tài được triển khai thành công sẽ là cơ sở khoa học để địa phương xây dựng kế hoạch gây trồng, phát triển LSNG ở địa phương một cách hợp lý và bền vững.
II. Mục tiêu
- Đánh giá được thực trạng một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao của tỉnh;
- Đề xuất biện pháp gây trồng một ố loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cho trồng rừng kinh tế tại Cao Bằng.
III. Kết quả nghiên cứu
Qua điều tra nghiên cứu trên 12/13 huyện thị cho thấy, cây lâm sản ngoài gỗ ở Cao Bằng phong phú, đa dạng, trong đó đề tài đã xác định được 25 loài cây cho lâm sản ngoài gỗ có giá trị, tiềm năng kinh tế thuộc 3 nhóm, cụ thể: Nhóm sản phẩm cây cho sợi, nhóm cho thực phẩm và nhóm cho sản phẩm chiết xuất.
Đã lựa chọ được 5 loài có tiềm năng phát triển và cho thu nhập cao, gồm Trám đen, Dẻ Trùng Khánh, Hồi, Mắc mật và Trúc sào.
1. Cây Trám đen
Cây Trám đen là cây gỗ lớn, được trồng nhiều ở các huyện Hoà An, Trùng Khánh, Quảng Uyên và Phục Hoà. Giống trồng chủ yếu là cây tái sinh từ hạt. Thời vụ trồng tháng 3-4, thời gian khai thác quả tháng 9-11. Do giống trồng chưa được tuyển chọn, không được thâm canh, nên năng suất quả không ổn định, trung bình 40-50kg quả/cây; 1,5 tấn/ha, giá bán khaỏng 40.000-50.000, đ/100 quả (1kg), thu nhập khoảng 67,5 triệu đồng/ha/năm. Thị trường trám đen dễ bán, nguồn cung hàng năm vẫn thiếu so với nhu cầu thị trường.
Trám đen có vỏ ngoài màu nâu nhạt, thịt hơi hồng, có nhựa mủ màu đen mùi thơm rất đặc biệt, hoa tạp tính hay đơn tính, quả hạch hình trứng. Cây cao khoảng 16,8-20,1m, đường kính khoảng 28,6-52,5cm. Trám đen phân bố ở độ cao so với mực nước biển từ 348-406m, lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 1443mm/năm.
2. Cây dẻ Trùng Khánh
Dẻ Trùng Khánh được trồng chủ yếu ở huyện Trùng Khánh, ngoài ra còn được trồng ở một số nơi như huyện Hạ Lang, Quảng uyên, Phục Hoà, Thạch An. Đất trồng Dẻ Trùng Khánh có tầng dày >100cm, đất có phần hơi chặt, thành phần cơ giới thịt trung bình đến thịt nặng, hàm lượng mùn từ nghèo đến trung bình, mức độ phân giải chất hữu cơ yếu… Nơi để trồng Dẻ Trùng Khánh có độ dốc thấp <5o, độ cao tuyệt đối từ 478-560m, lượng mưa bình quân năm từ 1363,1-1918,1mm.
Cây có nhiều thân, sinh trưởng nhanh, đường kính tán lớn. Thời gian thu hoạch quả để làm giống vào tháng 10. Thời vụ trồng tháng 2-3, mật độ trồng 100 cây/ha. Thu hoạch hạt dẻ vào tháng 9-10. Do không được thâm canh nên năng suất hạt nhìn chung thấp, phổ biến là 10-20 kg/cây, thu nhập bình quân khoảng 45 triệu đồng/ha/năm.
3. Cây Mắc mật
Cây Mắc mật phân bố tự nhiên ở các huyện Hoà An, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hoà, Thạch An. Đất nơi Mắc mật phân bố có tầng dày >60cm, thuộc đất trồng trọt điển hình. Đất có hàm lượng chua vừa, hàm lượng mùn từ nghèo đến trung bình, mức độ phân giải chất hữu cơ từ yếu đến trung bình, đạm tổng số nghèo, đất nghèo lân, lượng kali từ nghèo đến trung bình. Độ dốc nơi phân bố Mắc mật từ 10-25o, độ cao so với mực nước biển 300-450m, lượng mưa trung bình 1400-1600mm. Đường kính cây Mắc mật từ 16,60-21,60cm, chiều cao đạt từ 7,53-9,68m và đường kính trung bình tán đạt 4,37-5,03m. Cây Mắc mật chủ yếu là cây phân bố tự nhiên, chưa được gây trồng. Thời gian khai thác quả tập trung vào tháng 6-7. Năng suất trung bình 40-50kg quả tươi/cây với giá bán trung bình 7000-8000 đồng/kg.
4. Cây Hồi
Hồi được trồng tại các huyện Thạch An, Bảo Lạc, Trà Lĩnh, Hạ Lang và Bảo Lâm, với tổng diện tích khoảng 3408 ha. Các rừng Hồi hiện nay tập trung chủ yếu ở độ cao 200-600m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm trong khoảng 18-22oC, tổng lượng mưa trung bình năm 1200-2200mm. Cây ưa lớp đất mặt dày, độ phì cao, thoát nước tốt, độ dốc từ 15-30o, có độ pHkcl 4-7. Thời vụ trồng vào tháng 2-4, mật độ trồng từ 333-625 cây/ha, kích thước hố trồng phổ biến nhất mức 40x40x40cm, bón lót phân chuồng phổ biến ở mức 15-20kg/hố, cây được chăm sóc hàng năm, nhưng không bón phân. Khai thác vào vụ mùa tháng 6-9 và vụ chiêm tháng 1-4 hàng năm. Năng suất quả phổ biến mức 10-20kg/cây, thu nhập bình quân khoảng 11-12 triệu đồng/ha/năm (năm 2010). Thời gian thu hoạch Hồi làm giống vào tháng 7 từ những cây mẹ 15-20 tuổi.
5. Cây Trúc sào
Trúc sào được trồng ở các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc. Đất trồng Trúc sào có tầng đất dày > 100cm, dung trọng 0,84-1,17g/cm3, thành phần cơ giới đất thịt nhẹ. Độ dốc nơi trồng Trúc sào từ 25o–35o, độ cao nơi trồng so với mực nước biển từ 1017-1221m, lượng mưa trung bình năm 1543,9-2362mm. Thời gian thu hoạch giống vào tháng 1-3, giống được cắt từ đoạn thân ngầm ở cây trên 1 năm tuổi. Thời vụ trồng vào tháng 2-3 với mật độ trồng phổ biến nhất là 400 giống/ha. Giá bán Trúc sào dao động 2500-5000đồng/cây, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/ha/năm.