Kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển vùng sản xuất dược liệu Hoài Sơn (củ mài) tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng theo chuỗi giá trị sản phẩm” sau thời gian nghiệm thu.
08/04/2025
Lượt xem: 65
Ngày 04/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển vùng sản xuất dược liệu Hoài Sơn (củ mài) tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng theo chuỗi giá trị sản phẩm” sau thời gian nghiệm thu. Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên là cơ quan chủ trì thực hiện. Đồng chí Nông Thành Thân - Phó Giám đốc Sở KH&CN làm Trưởng đoàn kiểm tra.
Tham gia cùng Đoàn kiểm tra của Sở KH&CN có: Đại diện Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng; cán bộ xã Vũ Minh; đại diện các hộ dân trong xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình.
Đoàn kiểm tra thực tế xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Mô hình thâm canh cây Hoài Sơn được Đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã xây dựng được quy mô 0,3 ha tại xóm Nà Khoang, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Có năng suất củ là 31,5 tấn củ tươi/ha, sản lượng thu được tại các hộ tham gia mô hình là 10,6 tấn củ tươi/0,3 ha (3,28 tấn củ khô/0,3 ha). Qua đánh giá cho thấy kết quả xây dựng mô hình thâm canh Hoài Sơn (củ mài) đáp ứng yêu cầu đề ra của đề tài. Hiệu quả kinh tế cho thấy tổng thu là 131.200.000đ/0,3 ha và lãi thuần khoảng 19.325.000đ/0,3 ha.
Đề tài đã tiến hành nghiệm thu cấp tỉnh vào năm 2022. Kết quả duy trì đề tài sau nghiệm thu Cây Hoài Sơn khi đưa xuống hộ dân, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Tuy nhiên với khuôn khổ của đề tài nghiên cứu ở quy mô nhỏ, nên việc duy trì mô hình còn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau. Sau khi nghiệm thu Đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã tiến hành trao đổi với hộ dân về việc tiếp tục duy trì mô hình, tuy nhiên việc duy trì không tiếp tục được với những khó khăn như sau: Chi phí nguồn giống cao; là loại cây trồng mới nên chưa phù hợp với tập quán canh tác của người dân; gặp khó khăn trong việc tưới nước cho cây; Cây Hoài Sơn với đặc điểm củ ăn sâu, nên việc thu hoạch củ tốn nhiều công….
Căn cứ báo cáo và ý kiến kiến nghị của đơn vị chủ trì và người dân. Đoàn kiểm tra ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với người dân. Đồng thời tiếp nhận những đề xuất kiến nghị của đơn vị chủ trì về các nội dung: Nghiên cứu hỗ trợ nguồn vốn để phát triển mô hình Hoài Sơn trong thời gian tiếp theo, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng mô hình trồng cây Hoài Sơn với những cây dược liệu lâu năm, nhằm đa dạng mô hình phát triển sản xuất cây dược liệu ngắn ngày và cây dược liệu dài ngày trong cơ cấu cây dược liệu của huyện Nguyên bình, tỉnh Cao Bằng./.
HK