Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nghiên cứu phát triển một số giống khoai môn, khoai sọ phục vụ sản xuất hàng hóa tại tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 3349
Chủ nhiệm đề tài: ThS Hà Mạnh Phong

Đơn vị thực hiện: Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Thời gian thực hiện: 2014-2016

Lĩnh vực nghiên cứu: Khoa học nông nghiệp

I. Đặt vấn đề

Cây khoai môn (Colocasia esculenta (L.) Schott) là loại cây trồng lấy củ, có thể canh tác trên nhiều loại đất và cho giá trị kinh tế cao. Sản phẩm khoai môn được sử dụng khá đa dạng như dùng để ăn tươi, chế biến thức ăn hoặc có thể dùng làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm công nghiệp như sấy khô, làm phụ gia, bột dinh dưỡng... Trong điều kiện canh tác trên đất nương rẫy tại các tỉnh vùng miền núi, sản phẩm khoai môn được đánh giá là một trong những nông sản có tính an toàn, được người tiêu dùng rất ưa chuộng và ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển tại một số tỉnh vùng miền núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Tại Cao Bằng, cây khoai môn hiện đang được trồng ở nhiều vùng trong tỉnh, tập trung nhiều ở một số huyện miền Đông như Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An... Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa phát huy được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai... để tạo ra sản phẩm khoai môn có giá trị trên thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng và có tính quyết định trong việc nâng cao giá trị cây khoai môn tại địa phương là còn thiếu những giống có những đặc điểm như năng suất cao, mẫu mã phù hợp, chất lượng cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, kể cả mua bán nhỏ cũng như cung cấp nguyên liệu chế biến công nghiệp... có thể phát triển thành hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao. Để nâng cao giá trị cây khoai môn tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, có khả năng thương mại trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, Viện Khoa học kỹ thuật miền núi phía Bắc đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển một số giống khoai môn, khoai sọ phục vụ sản xuất hàng hóa tại tỉnh Cao Bằng”.

II. Mục tiêu

Phát triển mở rộng sản xuất được giống khoai môn, khoai sọ thích ứng điều kiện sinh thái trên đất nương rẫy vùng miền núi tỉnh Cao Bằng, cho năng suất cao và chất lượng, hướng tới sản xuất hàng hóa. Cụ thể:

- Phân tích đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ khoai môn, khoia sọ tại Cao Bằng và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Nghiên cứu tuyển chọn được 01 đến 02 giống khoai môn, 01 đến 02 giống khoai sọ thích ứng với điều kiện sinh thái trên đất nương rẫy vùng miền núi tỉnh Cao Bằng, cho năng suất cao và chất lượng, hướng tới sản xuất hàng hóa.

- Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống khoai môn, khoai sọ trên đất nương rẫy cho năng suất cao và chất lượng.

III. Kết quả nghiên cứu

1. Kết quả điều tra, khảo sát

Tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ khoai môn, khoai sọ tại 4 huyện miền Đông của tỉnh, gồm: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa và Thạch An. Kết quả điều tra cho thấy, huyện Quảng Uyên có điều kiện thuận lợi về diện tích đất canh tác, tập quán canh tác, điều kiện kinh tế… phù hợp với cây khoai môn, khoai sọ, có thể mở rộng sản xuất.

2. Kết quả khảo nghiệm chọn giống khoai môn, khoai sọ

Qua đánh giá tuyển chọn giống khoai môn năng suất cao, chất lượng tốt theo hướng sản phẩm hàng hóa tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng gồm các giống môn KM1, KM2, môn Bắc Kạn, môn Lục Yên. Kết quả đã lựa chọn được hai giống gồm môn Bắc Kạn và môn Lục Yên, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất từ 14,8 – 16,2 tấn/ha, chất lượng củ thương phẩm thơm, ngon, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, lợi nhuận thu được đạt trên 45,7 triệu đồng/ha.

Đánh giá đặc điểm sinh trưởng của cây khoai môn cho thấy: Thời gian mọc của cây khoai môn thông thường biến động trong khoảng từ 17 – 25 ngày, tùy thuộc vào thời vụ trồng, độ ẩm đất, kỹ thuật xử lý củ giống... đạt tỷ lệ mọc > 70 % trong khoảng từ 20 – 21 ngày sau khi trồng. Trong đó, có 2 giống là môn Bắc Kạn và môn Lục Yên có tỷ lệ sống đạt > 89,7 % cao hơn so với các giống khác và tương đương với giống môn địa phương ở cả 2 điểm thí nghiệm là xã Ngọc Động và Hạnh Phúc. Hai giống môn KM1 và môn KM2 có tỷ lệ sống thấp hơn, dưới 87,6 %, thấp hơn so với giống môn địa phương. Thời gian sinh trưởng của hai giống môn Bắc Kạn và môn Lục Yên từ 240 – 242 ngày; giống môn KM1 và KM2 từ 250 – 255 ngày, tương đương với giống môn địa phương.

Giống môn Bắc Kạn và môn Lục Yên có chiều cao cây đạt >1,09 m, trong khi đó giống môn KM1 và KM2 chỉ đạt 0,84 – 0,87 m, thấp hơn giống môn địa phương. Khả năng phân chồi bên của các giống thấy ít có sự khác nhau, trung bình biến động từ 5,2 – 6,3 chồi/khóm. Quan sát và đánh giá độ đồng đều cây của hai giống môn Bắc Kạn và môn Lục Yên cây khá đồng đều, ít có sự chênh lệch trong quần thể, tương đương giống địa phương. Hai giống môn KM1 và KM2 là những giống có tiềm năng năng suất cao, tuy nhiên trong điều kiện canh tác nhiều yếu tố bất thuận như khô hạn, nhiệt độ rét đầu vụ... đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của giống, nhất là khả năng sinh trưởng thân lá làm cây kém đồng đều. Hai giống này được đánh giá độ đồng đều cây ở mức trung bình.

Tổng năng suất của các giống qua hai điểm thí nghiệm: Giống môn Bắc Kạn, từ 21,8 – 22,1 tấn/ha năng suất lý thuyết và 15,9 – 16,2 tấn/ha năng suất thực thu; giống môn Lục Yên, đạt từ 20,3 – 20,8 tấn/ha năng suất lý thuyết và 14,8 – 15,0 tấn/ha năng suất thực thu; hai giống môn KM1 và KM2 thấp hơn, đạt từ 18,9 – 19,4 tấn/ha năng suất lý thuyết và 13,5 – 13,7 tấn/ha năng suất thực thu, tương đương giống môn địa phương. Ít nhiễm sâu bệnh, nhiễm nhẹ bệnh cháy lá. 2 giống gồm môn Bắc Kạn và môn Lục Yên có nhiều ưu điểm nổi bật hơn các giống khác, kể cả giống môn địa phương, như tỷ lệ sống cao, sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao nổi bật hơn các giống khác, củ thương phẩm (củ cái) có ngoại hình và chất lượng ngon đặc trưng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thời gian sinh trưởng từ 240 – 242 ngày (khoảng 8 tháng), dễ bố trí luân canh với cơ cấu cây trồng tại địa phương.

3. Kết quả xây dựng mô hình khoai thương phẩm

Từ những ưu thế của 2 giống môn Bắc Kạn và môn Lục Yên, đề tài đã xây dựng mô hình sản xuất với quy mô 6ha làm cơ sở phát triển mở rộng ra sản xuất đại trà tại các vùng có cùng điều kiện tại huyện Quảng Uyên nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung. Trong đó 2ha khoai môn Bắc Kạn và Lục Yên, năng suất đạt từ 11,1-11,9 tấn/ha, chất lượng khoai thưởng phẩm vị đặc trưng, thơm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, lơi nhuận mô hình đạt trung bình 44,1 triệu đồng/ha; 04ha khoai sọ, năng suất vụ xuân đạt từ 10,3-10,6 tấn/ha, chất lượng củ vị ngon, không bở, lợi nhuận mô hình vụ xuân đạt trung bình 32,1 triệu đồng/ha.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để địa phương mở rộng sản xuất giống môn Bắc Kạn và môn Lục Yên ra các vùng khác của tỉnh Cao Bằng có cùng điều kiện. Từ đó có thể bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của địa phương, sử dụng luân canh với cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Tin khác
1 2 3 4 5 














image advertisement