Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tại trường năng khiếu nghệ thuật và thể thao tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 3301
Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Phùng Lê Phong
Đơn vị thực hiện: Trường năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Cao Bằng
Thời gian thực hiện: 2014 – 2016
Lĩnh vực nghiên cứu: Văn hóa dân tộc
I. Đặt vấn đề:
Các nhà nghiên cứu xã hội học đã khẳng định, văn hóa dân gian là cội nguồn của văn hóa dân tộc với ý nghĩa là “Văn hóa gốc”, “Văn hóa mẹ”, điều đó nói lên rằng, văn hóa dân gian là nguồn sản sinh và tiếp tục nuôi dưỡng văn hóa dân tộc. Lịch sử đã chỉ ra rằng, có con người là có văn hóa, khi hình thành dân tộc thì có văn hóa dân tộc.
Việc nghiên cứu dân ca để biên soạn tài liệu dùng trong giảng dạy học đường là hành động mang tính chiến lược nhằm bảo tổn và phát huy giá trị dân ca, làm cho dân ca, dân tộc trường tồn cùng thời gian, hữu ích cho cuộc sống con người. Cao Bằng có nền văn hóa nghệ thuật dân gian lâu đời, phong phú, đa dạng và độc đáo, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của từng dân tộc. Mỗi dân tộc đều có nhiều nhóm ngành, như dân tộc Tày gồm: Tày Đeng, Tày Lưu Quan, Tày Ngạn; Dân tộc Nùng có rất nhiều ngành: Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Quí Rỉn, Nùng Slí kít, Nùng Giang, Nùng Khen Lài…. Dân ca dân tộc Tày, Nùng đang là kho báu lớn, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều năm nay tỉnh ta đã chủ động, tích cực, bảo tồn, phát huy dân ca các dân tộc. tuy nhiên trong bối cảnh nước ta đang phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, mặt trái của nó đang từng ngày tác động, xói mòn văn hóa truyền thống, nguy cơ mai một vốn dân ca các dân tộc là không tránh khỏi, trong khi các nghệ nhân, những người hiểu biết về dân ca còn lại rất ít và tuổi đã cao, nhiều làn điệu dân ca chưa được nghiên cứu, kết quả đạt được lâu nay về bảo tồn và phát huy vốn dân ca so với yêu cầu thực tế còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, dân ca Tày Nùng đang ngày càng mai một nhanh chóng theo dòng chảy thời gian…, việc nghiên cứu dân ca để biên soạn thành giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy là phương pháp khoa học lo gic, sáng tạo, có bài bản hệ thống. Từ quan điểm, lý luận và thực tiễn nêu trên, thấy rằng đề tài, “Nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tại Trường năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Cao Bằng” là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tế khách quan trong bối cảnh tình hình hiện nay.
  1. Mục tiêu:
Sưu tầm, phân loại các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng; Nghiên cứu đặc trưng các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng; Biên soạn tài liệu giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tại Trường năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Cao Bằng; Tổ chức đào tạo thử nghiệm 01 năm đối với học sinh năng khiếu Thanh nhạc tại trường năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Cao Bằng để rút kinh nghiệm và đánh giá, nhận diện theo khóa học.
  1. Kết quả nghiên cứu:
Sau khi được phê duyệt để thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đã chủ động đến các huyện và địa bàn trọng điểm khảo sát tại các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Thạch An, Bảo Lạc, Hòa An, Hạ Lang, Hà Quảng, gặp gỡ các nghệ nhân và Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng để sưu tầm, nghiên cứu về dân ca dân tộc Tày, dân ca dân tộc Nùng thuộc phạm vi địa bàn tỉnh Cao Bằng. Qua quá trình điều tra khảo sát tại các huyện, hiện nay, lớp thanh niên biết rất ít về dân ca, lớp trung niên còn có sự am hiểu nhưng không sâu, thiếu chuẩn xác. Đối với lớp người cao tuổi còn lưu giữ được khá nhiều tri thức dân ca do cha ông để lại, đối tượng nghệ nhân tài danh còn lại rất ít, các tư liệu chủ yếu là truyền miệng, rất ít tư liệu ghi chép thành văn, do phong tục tập quán là chiếc nôi nuôi dưỡng dân ca, nay vẫn được các dân tộc Tày, Nùng lưu giữ cơ bản, trên địa bàn nông thôn các gia tộc vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp thường ngày, ngành Nùng An vẫn bảo tồn được tập quán sinh hoạt, trang phục, loại hình dân ca đặc trưng như Hèo Phưn.
Trong toàn bộ tư liệu tổng hợp, điều tra, qua phân tích, tổng hợp đã có nhiều thông tin chuẩn xác về dân ca, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra được danh tính các làn điệu dân ca Tày và Nùng để phân loại, lựa chọn vào giảng dạy tại trường năng khiếu Nghệ thuật gồm: Dân ca Tày có 12 làn điệu Hát Then – Đàn Tính và các làn điệu: Lượn Then, Lượn Slương, Lượn Cọi, Lượn Ngạn, Phong Slư (Phảng Lài), Hát Ru, Đồng dao, Hát Quan Lang, Hát Nàng Hai, Nuồng Toẹn, Phuối rọi…. Thường dân ca Tày có 23 làn điệu và còn lại là 12 làn điệu dân ca tang lễ, tâm linh. Kho tàng dân ca người Tày rất phong phú xuất hiện hầu khắp các huyện trong tỉnh, đó là những làn điệu Hát then đệm bằng đàn tính 3 dây ở miền Tây, điệu Hát Giàng đệm bằng đàn tính 2 dây ở miền Đông, điệu Lượn Cọi phổ biến ở miền Tây; Dân ca Nùng gồm có 17 làn điệu sử dụng thường ngày là: Phìn Tiảo, Thán Tiảo, Hí Tiảo, Sai Va, Thiều Tiảo, Sấu Pán (thuộc thể loại Dá Hai), Lượn Phủ (Hà lều), Sli Giang, Sli La Hòi, Xà xá, Hèo phưn, Hát ru, Đồng dao, Pựt lằn, Lượn Slam khót (Nùng Khen lài), Lượn Nàng ới, Này Sli (Nùng cháo). Trong các loại hình dân ca dân tộc Nùng, Dá Hai là loại hình ca kịch đặc sắc, tập trung chủ yếu ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hà Lều; Nàng Ới phân bổ ở tất cả các vùng dân tộc Nùng trong tỉnh nhưng phổ biến nhất là ở Hà Quảng và các huyện miền Tây.
Nhóm thực hiện đề tài đã nắm được cơ bản quá trình phát sinh, phát triển dân ca Tày, Nùng, bên cạnh các thể loại dân ca cổ, nhóm còn sưu tầm được những bài hát dân ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, gương người tốt, việc tốt, tình cảm gia đình, bạn bè, tình làng xóm, phê phán thói hư tật xấu và lên án cái ác. Một số tài liệu đã được tiến hành dịch thuật để tìm hiểu, nghiên cứu, tập trung đi sâu vào trọng tâm hai mảng: Lời ca và âm nhạc trong dân ca Tày và Nùng. Tiến hành ghi âm các làn điệu dân ca do các nghệ nhân trình bày, nhất là các bài hát dân ca cổ, trên cơ sở đó mới tiến hành ký nhạc cho các bài hát theo từng thể loại dân ca; tổ chức ghi hình, không gian sinh hoạt dân ca đối với các nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng. Tổ chức thành công 03 cuộc Hội thảo: Hội thảo lần thứ nhất tập trung vào hai nội dung chính là: Phân loại dân ca dân tộc Tày và dân ca dân tộc Nùng; Lựa chọn loại hình dân ca đặc trưng cho mỗi dân tộc đưa vào giảng dạy. Hội thảo lần thứ hai chủ yếu tập chung vào phân loại các làn điệu dân ca đã được lựa chọn vào chương trình giảng dạy của nhà trường; Hội thảo lần thứ ba, góp ý cho tài liệu giảng dạy.
Tài liệu giảng dạy các làn điệu dân ca đã được đưa vào chương trình thực nghiệm 1 năm giảng dạy với 20 đối tượng là học sinh thanh nhạc năm thứ nhất có độ tuổi từ 8 đến 13. Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên đã bám sát theo mục đích, yêu cầu, xác định dạy học là một quy trình chặt chẽ. Trong 1 năm đào tạo thử nghiệm, các giáo viên đã nhiệt tình giảng dạy, vừa tự tu dưỡng mình về kiến thức, kỹ năng đối với thể loại dân ca Hát Then, Đàn Tính và Nàng Ới. Đối với các em học sinh có tinh thần tự giác trong học tập và rèn luyện, thái độ học tập nghiêm túc, phấn khởi hăng hái, chịu khó tiếp thu kiến thức và thực hành, kết quả có 05 em học rất tốt; 10 em xếp loại tốt; 05 em xếp loại trung bình. Sản phẩm của đề tài bao gồm: Báo cáo chuyên đề, Báo cáo kết quả đào tạo thực nghiệm, Báo cáo tổng kết đề tài, bộ tài liệu giảng dạy, 02 đĩa CD, 02 đĩa VCD…, các sản phẩm này có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị dân ca, cũng như truyền dạy vốn dân ca phong phú độc đáo của dân tộc Tày, Nùng cho thế hệ trẻ Cao Bằng một cách thiết thực, hiệu quả.
  1. Kinh phí thực hiện:
Theo Quyết định số 786/QĐ – SKHCN, ngày 20/12/2013 của Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng, tổng kinh phí thực hiện đề tài là 300.000.000 đồng.
  1. Kết luận và kiến nghị:
  1. Kết luận:
Qua nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tại Trường năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Cao Bằng, cho thấy đây là một giải pháp đột phá mới, nhằm đưa dân ca vào giảng dạy trong học đường một cách hệ thống, bài bản, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, được tiếp cận với văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian, dân ca các dân tộc. Đây là hành động mang tính chiến lược, đúng đắn, thiết thực nhằm không ngừng bảo tồn và phát huy, phát triển dân ca các dân tộc tỉnh nhà. Kết quả của đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu với các sản phẩm khoa học, các chuyên đề nghiên cứu có chất lượng, đặc biệt đã tổ chức biên soạn giáo trình giảng dạy môn học dân ca, trong đó ưu tiên đưa thể loại Hát then – Đàn tính của dân tộc Tày và làn điệu dân ca Nàng ới vào giảng dạy thực nghiệm một năm và khởi đầu thành công. Có thể nói nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ và các nội dung nghiên cứu, thực nghiệm.
  1. Kiến nghị:
Đối với UBND tỉnh: Chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành hữu quan phối hợp thực hiện chủ trương đưa dân ca các dân tộc vào giảng dạy trong học đường đối với trường Cao đẳng Sư phạm, các trường chuyên nghiệp, các trường THPT, các trường tiểu học trên phạm vi toàn tỉnh.
Đối với Sở Khao học và Công nghệ: Chỉ đạo, tạo điều kiện cho các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian có liên quan trực tiếp đến dân ca được in ấn, xuất bản để có thêm tư liệu nghiên cứu; khuyến khích các đề tài nghiên cứu sâu, toàn diện, đầy đủ có hệ thống về dân ca Hát then – Đàn tính và Nàng ới.
Đối với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nhà trường đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học dân ca; Phối hợp với Sở Nội vụ lựa chọn, bố trí cán bộ giáo viên có năng lực, được đào tạo chuyên môn, hiểu biết sâu về dân ca các dân tộc đến công tác tại nhà trường; Chỉ đạo nhà trường dạy ngôn ngữ Tày, Nùng và các dân tộc khác, để học sinh dễ tiếp thu, am hiểu hơn về dân ca.
Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Tuyên truyền, giáo dục động viên, thanh, thiếu niên coi trọng vốn dân ca dân tộc và hưởng ứng phong trào hát dân ca, hướng về văn hóa cội nguồn dân tộc.
Đối với Hội văn học nghệ thuật tỉnh: Chỉ đạo, khuyến khích các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ nguồn gốc, xuất sứ, sự hình thành và phát triển các làn điệu dân ca dân tộc./.
Tin khác
1 2 3 4 5 














image advertisement