Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Khoa học và công nghệ đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Lượt xem: 152
Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, vì vậy lĩnh vực này đã và đang tiếp tục được tỉnh quan tâm để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
anh tin bai

Hội nghị đầu bờ mô hình trồng mới giống Lê Xanh Bảo Lạc

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng sự phối hợp của các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Ngành luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN, chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo xác định định hướng nghiên cứu - ứng dụng hàng năm gắn với yêu cầu thực tiễn, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh để đưa tiến bộ KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2020-2022, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn; chỉ đạo nâng cao chất lượng các Hội đồng KH&CN, Hội đồng thẩm định công nghệ, Hội đồng sáng kiến và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
 
Để không ngừng nâng cao chất lượng của các hoạt động, Hội đồng KH&CN đã thường xuyên được kiện toàn từ tỉnh đến các ngành và cơ sở; phương thức làm việc của Hội đồng đảm bảo đúng tinh thần của Luật KH&CN. Việc lựa chọn danh mục nhiệm vụ KHCN xuất phát từ hướng ưu tiêu phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của các ngành nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.
 
Các nhiệm vụ KH&CN cơ bản gắn liền với thực tiễn, có tính cấp thiết, phù hợp với đặc thù của địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những đóng góp quan trọng của KH&CN vào thành tựu phát triển chung giai đoạn vừa qua được thể hiện qua các kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực:

Lĩnh vực nông nghiệp: Đã phục tráng, bản tồn, phát triển các loại lúa đặc sản của tỉnh, các giống lúa đảm bảo theo quy trình sản xuất giống do Bộ NN&PTNT ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng, hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa và quy trình thâm canh để chuyển giao cho địa phương áp dụng, mở rộng sản xuất năng suất tăng 15 - 20%. Tập trung nghiên cứu, bình tuyển cây trội, hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng thâm canh, hình thành các vườn giống gốc các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, lâm nghiệp đặc sản có thế mạnh của từng vùng như cam, quýt, lê, mận máu, dẻ ... để phát triển quy mô diện tích tạo ra sản phẩm hàng hóa, tạo cơ sở khoa học để mở rộng diện tích, phục vụ cho các chương trình, đề án phát triển cây trồng của tỉnh. Các loại cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh tiếp tục được nghiên cứu, trồng thử nghiệm phục vụ phát triển dược liệu như sâm Cao Bằng, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, nấm linh chi đen, Hoài Sơn, tam thất; một số cây dược liệu đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, tiếp nhận kết quả để mở rộng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa như thất diệp nhất chi hoa, lan dược liệu, Hà thủ ô đỏ. Đối với chăn nuôi, đã nghiên cứu chọn lọc, bảo tồn gen giống lợn Lang Đông Khê, hoàn thiện các quy trình chọn giống, quy trình chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi hộ gia đình hiện đang được nhân rộng phát triển góp phẩn duy trì đàn lợn địa phương; đang tiếp tục ứng dụng quy trình kỹ thuật cải tạo đàn bò địa phương góp phần phát triển đại gia súc trong tỉnh.

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ: Đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nấu luyện sten chất lượng cao từ nguồn quặng sunfua đa kim niken - đồng Cao Bằng, xây dựng được quy trình công nghệ và các thông số kỹ thuật cơ bản về chế tạo sten niken từ nguồn quặng niken Cao Bằng theo quy trình công nghệ mới, đã thực hiện thí nghiệm thu được sten niken có tổng thành phần niken - đồng trên 40%, góp phần phục vụ công tác quản lý khai thác chế biến quặng trên địa bàn tỉnh; ứng dụng mô hình công trình thu nước dạng đập ngầm kết hợp hào thu nước phục vụ cấp nước sinh hoạt tại xã Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng, đã giải quyết cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn TCVN 02:2009/BYT cho 70 hộ dân; có nhiều kết quả trong nghiên cứu về số hóa trong nông nghiệp, chế biến nông sản phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Lĩnh vực Y - dược: Đã quan tâm nghiên cứu ứng dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh trong tỉnh, như: Ứng dụng kỹ thuật gương trị liệu kết hợp tập vận động trong phục hồi chức năng bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng, kết quả đã rút ngắn thời gian điều trị, làm giảm chi phí do viện phí và sinh hoạt. Về dược học, chú trọng nghiên cứu sản xuất các chế phẩm, dược phẩm từ nguồn dược liệu của Cao Bằng nhằm từng bước thúc đẩy phát triển vùng dược liệu của tỉnh. Thời gian qua đã nghiên cứu bào chế, tính an toàn và tác dụng sinh học của chế phẩm “Trường Xuân CB”  từ bài thuốc với các dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, xây dựng công thức, quy trình bào chế, tiêu chuẩn cơ sở và bước đầu đánh giá sự ổn định của chế phẩm Trường Xuân CB từ bài thuốc với các dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; đánh giá tính an toàn; đánh giá tác dụng tăng cường khả năng sinh tinh, tác dụng tăng cường sinh dục và tác dụng tăng lực của chế trên động vật thực nghiệm; đã xây dựng được quy trình bào chế viên nang qui mô 10.000 viên/mẻ, đánh giá độ ổn định của chế phẩm. Hiện nay đang tiếp tục triển khai nghiên cứu bào chế viên nang cứng có tác dụng hạ glucose máu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, bảo vệ gan từ quả me rừng, giảo cổ lam và thạch hộc tía. Từ các đề tài trên, các dự án nhân giống, trồng và chế biến dược liệu đang được doanh nghiệp đầu tư phát triển.

 Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV): Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương như các nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch được quan tâm như văn hóa người Lô lô, văn hóa Dá hai dân tộc Nùng, đánh giá tài nguyên du lịch, đề án du lịch cộng đồng; một số nhiệm vụ về cải cách hành chính, tự chủ tài chính công của đơn vị sự nghiệp, điều tra đánh giá hiện trạng và giải pháp phát triển quỹ đất tỉnh Cao Bằng và các nhiệm vụ do các sở, ngành triển khai đã cung cấp luận cứ khoa học trong việc xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề về công tác quản lý của ngành, địa phương.

Đóng góp của ngành KH&CN trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng  khoá XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát huy mạnh mẽ nội lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, tạo đột phá mới trên các lĩnh vực; quyết tâm xây dựng tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững. Với mục tiêu này, ngành KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới trong tư duy và hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành; tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN: phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập; bảo tồn quỹ gen giống cây trồng vật nuôi; hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm thuộc đề án OCOP; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai truy xuất nguồn gốc; tăng cường hoạt động dịch vụ, tiềm lực KHCN.

Tác giả bài viết: Ths. Bế Đăng Khoa - Ủy viên BCH Tỉnh ủy Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 














image advertisement