Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp Hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng
Lượt xem: 1701
Chủ nhiệm đề tài: Luân Thị Diệp
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Thời gian thực hiện: 48 tháng (từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2014).
Lĩnh vực nghiên cứu: Nông lâm nghiệp

I. Đặt vấn đề
Cao Bằng có nhiều giống lúa nếp địa phương nổi tiếng thơm ngon như: nếp Trùng Khánh, nếp Nguyên Bình, nếp Pì Pất (Hòa An), Nếp Hương (Xuân Trường, Khánh Xuân - Bảo Lạc). Các giống lúa này hiện nay hầu như bị thoái hóa, nhiễm sậu bệnh dẫn đến năng suất thấp. Nếp Pì Pất là giống lúa nếp địa phương nổi tiếng thơm ngon của tỉnh Cao Bằng, “Pì Pất” theo tiếng Tày nghĩa là "mỡ vịt" cái tên này còn có ý nghĩa là gạo nấu chín cơm bóng và thơm như mỡ vịt. Nếp Hương Bảo Lạc được người dân xã Xuân Trường gieo cấy tại địa phương từ lâu đời. Gạo nếp Hương khi nấu chín có mùi thơm đặc biệt, cơm ăn có vị đậm ngọt và dẻo.
Nếp Hương và nếp Pì Pất là hai giống lúa Nếp đặc sản của địa phương Cao Bằng, nguồn giống chủ yếu do người dân tự giữ từ năm này cho năm sau. Những năm gần đây diện tích trồng cây hai giống lúa này có chiều hướng giảm dần do giống bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nhiều, năng suất giảm, do vậy nó rất cần các nhà khoa học "giữ lại những gì vốn có" của nó. Nhằm khôi phục bảo tồn và phát triển nguồn gen hai giống lúa đặc sản này của địa phương đồng thời tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Nếp đặc sản của địa phương Cao Bằng, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 736/QĐ-KHCN ngày 14/12/2010 Về việc Phê duyệt Đề tài "Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa Nếp Hương Bảo lạc và Pì Pất Cao Bằng"
II. Mục tiêu
Khôi phục, bảo tồn vả phát triển nguồn gen hai giống lúa đặc sản nếp Hương và nếp Pì Pất của địa phương làm cơ sở tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản của Cao Bằng.
III. Kết quả nghiên cứu
1. Kết quả phục tráng giống lúa nếp Hương
- Năm 2011: Nguồn giống: Giống của gia đình tự giữ. Đo đếm các chỉ tiêu theo công thức nhóm nghiên cứu loại bỏ 139 dòng không đạt yêu cầu, chọn được 56 cây (dòng) có giá trị trung bình và độ lệch chuẩn ở mức cho phép.
- Năm 2012: Tiến hành gieo cấy các dòng chọn được ở năm thứ nhất gồm 56 dòng. Qua theo dõi ở năm thứ 2 cho thấy các dòng có sự khác biệt rõ rệt về các tình trạng như chiều cao cây, màu sắc lá, thời gian trỗ không đồng đều trong cùng 1 dòng và giữa các dòng. Về khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh bất thuận giữa các dòng cũng có sự khác biệt lớn. Năm 2012 các dòng được chọn gồm: 22, 23, 53, 77, 89, 90, 98, 115. Các dòng này được bảo quản để gieo cấy vụ tiếp theo.
- Năm 2013: Nguồn giống được gieo cấy gồm 9 dòng (8 dòng được chọn ở vụ 2012 và 1 giống đối chứng). Đối chứng dùng giống nếp Hương sản xuất tại địa phương chưa được chọn lọc.
Các dòng được chọn gồm 7 dòng: dòng số 22, 23, 53,77, 89, 98, 115, nhóm nghiên cứu khuyến cáo bà con nông dân nên lưu giữ, duy trì và sử dụng để làm giống cho vụ sau. Các dòng giống đạt tiêu chuẩn thu được ở đây là giống siêu nguyên chủng. Dòng 77 có độ thơm cao nhất, năng suất đứng thứ 2 (sau dòng đặc biệt 53), độ dẻo đứng thứ 2, nhóm nghiên cứu ưu tiên chỉ tiêu về độ thơm và năng suất do vậy đã chọn dòng 77 để nhân giống nguyên chủng cho vụ sau.
- Năm 2014: Dòng giống đem nhân: Dòng 77. Đây là dòng ưu tú nhất vừa đạt năng suất cao (đứng thứ 2 sau dòng 53) và về độ thơm trội hơn các dòng khác và độ dẻo đạt ở mức trung bình. Các tình trạng về hình thái cây, độ thuần đồng ruộng, màu sắc hạt thóc, hạt gạo lật đều ổn định qua 3 vụ gieo cấy. Ngoài diện tích nhân dòng 77 nhóm nghiên cứu đã cấp cho một số hộ lượng giống siêu nguyên chủng 150kg gồm các dòng 22, 53, 77, 115. Diện tích gieo cấy được 5,3ha. Qua thông tin thu thập được các dòng này đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn giống cũ được bà con nông dân tin dùng và sẽ tiếp tục nhân rộng trong vụ tiếp theo.
2. Kết quả phục tráng giống lúa nếp Pì Pất
- Năm 2011: Nguồn giống: Giống của gia đình tự giữ. Quan sát và theo dõi tình trạng loại bỏ 91 dòng không đạt yêu cầu, chọn được 54 cây (dòng) có giá trị trung bình và độ lệch chuẩn ở mức cho phép.
- Năm 2012: Tiến hành gieo cấy các dòng chọn được ở năm thứ nhất gồm 54 dòng. Qua theo dõi ở năm thứ 2 cho thấy các dòng có sự khác biệt rõ rệt về các tình trạng như chiều cao cây, màu sắc lá, thời gian trỗ không đồng đều trong cùng 1 dòng và giữa các dòng. Về khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh bất thuận giữa các dòng cũng có sự khác biệt lớn, nhiều dòng bị nhiễm sâu bệnh nặng, sinh trưởng kém. Quan sát đánh giá ngoài đồng chọn được 16 dòng. Loại bỏ các dòng có sự phân ly các tính trạng, sinh trưởng kém, trỗ không cùng ngày, nhiễm sâu bệnh nặng,… Tiếp tục đo đếm các chỉ tiêu trong phòng: cao cây, số bông/khóm, dài bông chính, năng suất thực thu, mày sắc hạt gạo lật, khối lượng 1000 hạt,… chọn được 9 dòng đạt yêu cầu, năng suất các dòng đạt trên 35 tạ/ha gồm các dòng 06, 25, 28, 29, 43, 46, 50, 54, 57.
- Năm 2013: Nguồn giống được gieo cấy gồm 10 dòng (9 dòng được chọn ở vụ 2012 và 1 giống đối chứng). Đối chứng dùng giống nếp Pì Pất sản xuất tại địa phương chưa được phục tráng.
Các dòng nếp Pì Pất được chọn gồm 8 dòng: Dòng số 06, 25, 28, 29,43, 46, 50, 54 nhóm nghiên cứu đã khuyến cáo bà con nông dân nên lưu giữ, duy trì và sử dụng để làm giống cho vụ sau. Các dòng giống đạt tiêu chuẩn thu được ở đây là giống siêu nguyên chủng. Dòng số 54 có chỉ tiêu về độ thơm là thơm nhất, năng suất đạt được thí nghiệm so sánh là cao nhất, độ dẻo ở mức độ trung bình. Nhóm nghiên cứu chọn dòng 54 để nhân giống nguyên chủng cho vụ sau.
- Năm 2014: Dòng giống đem nhân là dòng 54. Đây là dòng ưu tú nhất vừa đạt năng suất cao, về độ thơm là trội nhất, các tình trạng về hình thái cây, độ thuần đồng ruộng, màu sắc hạt thóc, hạt gạo lật đều ổn định qua 3 vụ gieo cấy. Ngoài diện tích nhân dòng số 54 nhóm nghiên cứu đã cung ứng cho một số hộ dân các xóm của xã Hưng Đạo lượng giống siêu nguyên chủng 120kg gồm các dòng 06, 25, 28, 43, 50. Diện tích gieo cấy được khoảng 3ha. Qua thông tin thu thập được các dòng này đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn giống cũ được bà con nông dân tin dùng và sẽ tiếp tục nhân rộng trong vụ tiếp theo.
3. Hiệu quả kinh tế - xã hội
- Qua kết quả thí nghiệm so sánh dòng giống năm 2013 các dòng giống chọn lọc được của cả nếp Hương và nếp Pì Pất đều cho năng suất cao hơn so với đối chứng là giống chưa được phục tráng từ 15- 20%.
- Năm 2013, với 1000m2 ruộng so sánh và 9.000m2 nhân dòng đã sản xuất được 3,5 tấn giống siêu nguyên chủng cho mỗi giống.
- Năm 2014 nhân được 1ha giống nguyên chủng, mỗi giống sản phẩm thu được 3,5 tấn giống nguyên chủng. Đây là các dòng giống đạt năng suất cao nhất và có độ thơm, độ dẻo tốt nhất, lượng giống này đảm bảo mở rộng diện tích được 100ha giống xác nhận cho vụ sau.
- Đề tài được thực hiện đã góp phần cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng hai giống lúa nếp Hương và nếp Pì Pất là những nguồn gen quý hiếm của tỉnh Cao Băng. Các hộ nông dân tham gia đề tài tại hai địa điểm đều phấn khởi với hai vụ lúa nếp bội thu, tăng thu nhập cho gia đình.
Như vậy so sánh hiệu quả kinh tế nếu trồng lúa nếp Hương hay nếp Pì Pất sẽ thu lãi cao hơn so với trồng lúa tẻ trung bình mỗi ha cao hơn 10,82 triệu đồng.
IV. Kinh phí thực hiện đề tài
- Nguồn NSNN được cấp: 600.000.000đ (Sáu trăm triệu đồng chẵn)
- Tổng kinh phí đã chi đến ngày 02/12/2014: 553.985.469đ
V. Kết luận và kiến nghị
1. Kết luận: Sau 4 năm triển khai thực hiện đề tài nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành các nội dung được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phê duyệt. Đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình sản xuất sử dụng giống, tập quán canh tác, xác định diện tích năng suất và mức độ thoái hóa của hai giống lúa; Đã xây dựng được bản mô tả các tính trạng đặc trưng của hai giống lúa làm cơ sở cho công tác phục tráng; Tổ chức đánh giá chất lượng lúa gạo bằng cảm quan đồng thời gửi mẫu phân tích thành phần các chất dinh dưỡng; Hoàn thành việc phục tráng hai giống lúa nếp Hương và nếp Pì pất đảm bảo theo quy trình sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa siêu nguyên chủng và nguyên chủng nếp Hương và nếp Pì Pất; Hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa nguyên chủng nếp Hương và nếp Pì Pất, trong đó đã xác định được các yếu tố về thời vụ, đất đai, liều lượng phân bón, mật độ cấy thích hợp,… đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển đem lại năng suất và chất lượng cao nhất. Trên cơ sở đó đã xây dựng quy trình thâm canh sản xuất hai giống lúa này và khuyến cáo với người dân áp dụng quy trình.
2. Kiến nghị: Triển khai kết quả đề tài vào sản xuất hai giống lúa nếp Hương và nếp Pì Pất, nhân rộng và thay thế diện tích giống nếp Hương và nếp Pì Pất cũ bằng giống đã phục tráng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng giống; Nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa nếp Hương và nếp Pì Pất thành sản phẩm hàng hóa đặc sản của tỉnh Cao Bằng; Do công tác quản lý và sản xuất giống ở tỉnh ta chưa đi vào nề nếp, đa phần giống do người dân tự giữ do vậy đối với các hộ gia đình nông dân sản xuất lúa nếp Hương và nếp Pì Pất hàng năm cần thường xuyên tự duy trì việc chọn lọc giống cho vụ sau đảm bảo nguồn giống ít bị thoái hóa nhất; Tiếp tục nghiên cứu thêm các biện pháp, lựa chọn đất đai phù hợp, chế độ canh tác, bón phân hợp lý để hạn chế lúa bị đổ ngã; Để giống lúa nếp Hương và Pì Pất có thể phát triển với quy mô lớn trở thành hàng hóa đặc sản của tỉnh; Cần có sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan và doanh nghiệp, giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm hàng hóa. Trong đó nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí để thường xuyên duy trì, bảo tồn và sản xuất giống./.

Ngu?n: BC tổng hợp đề tài
Tin khác
1 2 3 














image advertisement