Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xây dựng lực lượng chính trị ở Cao Bằng thời kỳ tiền khởi nghĩa
Lượt xem: 1126
Ngày 28/1/1941, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc tại Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng (Cao Bằng), xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng cách mạng. Đó là thời kỳ chuẩn bị lực lượng chính trị của Người ở Cao Bằng thời kỳ tiền khởi nghĩa, đào tạo đội ngũ cán bộ (ĐNCB) và phát động phong trào quần chúng.

Về đào tạo ĐNCB trong công cuộc xây dựng căn cứ địa, ngay từ những ngày đầu đã được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng. Người nhấn mạnh tới đạo đức cách mạng, theo Người: Muốn làm công tác tốt thì mỗi cán bộ phải xây dựng, tu dưỡng cho mình đạo đức cách mạng. Cán bộ tốt là người phải gương mẫu, hy sinh, gian khổ, không màng tiền của, sắc đẹp, phải "tiến thân cho cách mạng", nhưng không được hy sinh vô ích, phải biết kết hợp hài hòa lợi ích Quốc gia, dân tộc với lợi ích gia đình... Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ghi rõ: "Việc đào tạo cán bộ nay đã trở thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ, phút, tất cả cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú trọng công tác này". Người còn nói: Phong trào lúc lên lúc xuống nếu trong Đảng có ĐNCB cốt cán thì lúc phong trào lên sẽ tốt, lúc khó khăn phong trào xuống cũng vững vàng, vì vậy phải hết sức chú trọng cán bộ…

Đi đôi với việc đào tạo cán bộ, Nguyễn Ái Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển Đảng ở các vùng căn cứ, nhưng hội viên cứu quốc đã từng được thử thách qua các đợt khủng bố của địch, được lựa chọn bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng. Do đó, trong khó khăn ác liệt, tổ chức Đảng ở Cao Bằng vẫn phát triển. Người cho rằng, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng cách mạng, phải biết đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Do đó, nhiệm vụ của người cán bộ là phải bám sát quần chúng, tuyên truyền đến từng người, giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc. Muốn làm được việc đó, người cán bộ phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, phải biết quý trọng dân. Người luôn căn dặn cán bộ phải "làm cho dân tin, dân mến, dân phục "... đồng thời, Người đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc ít người vào hoạt động cách mạng. Nhờ đó, các tổ chức Việt Minh đã phát triển mạnh, sau 3 tháng, Việt Minh ở 3 châu: Quảng Hòa, Hòa An, Nguyên Bình đã có hơn 2.000 người, đủ các dân tộc tham gia các tổ chức cứu quốc. Đến tháng 6/1941, riêng Hà Quảng đã có 1.053 hội viên, hơn 500 người hăng hái nhất được tổ chức thành các tổ chức trung kiên.

Kết quả của công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh (MTVM) ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn vững chắc khẳng định chủ trương của Trung ương Đảng và Nguyễn Ái Quốc sáng lập MTVM là đúng đắn và kịp thời. Vì vậy Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), đã quyết định thành lập MTVM và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, đã tạo ra bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Sau Hội nghị Trung ương 8, nhiều hình thức tuyên truyền vạch trần tội ác của Nhật, Pháp và tay sai, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của mỗi người dân đã cuốn hút mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân ở Cao Bằng. Báo Việt Nam Độc Lập do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chỉ đạo có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này. Mục đích của báo như Người nêu rõ:

"Việt Nam Độc lập thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta ".

Ảnh hưởng của Báo Việt Nam Độc Lập không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh Cao Bằng, mà còn lan rộng sang các tỉnh bạn, vì văn vần của báo hết sức tự nhiên, nhưng cũng hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích và rất dễ thuộc, để đi vào lòng người dân. Do đó, đã đưa đến sự xuất hiện những xã, tổng và những châu "hoàn toàn Việt Minh". Trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về xây dựng căn cứ địa của cách mạng Việt Nam, xây dựng lực lượng chính trị được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Xây dựng ĐNCB trung kiên, phát động phong trào quần chúng rộng khắp là thắng lợi quan trọng của Đảng bộ Cao Bằng, là thắng lợi của chủ trương, chính sách đúng đắn và sự chỉ đạo thực tiễn tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời./.

Nông Văn Mậu














image advertisement