Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chọn Cao Bằng lập căn cứ địa cách mạng đầu tiên
Lượt xem: 2616

Sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng đang dâng cao. Người chọn Pác Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để đặt “Đại bản doanh” và chọn tỉnh Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước với sự quả quyết: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”. Nhận định sáng suốt mang giá trị thực tiễn cao ấy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là căn cứ vào các yêu cầu khách quan, khoa học cần có đối với một căn cứ địa cách mạng:

Thứ nhất, căn cứ địa phải là nơi có vị thế chiến lược để tiến có thể đánh, lui có thể giữ, có đường giao thông liên lạc thuận tiện cả trong nước và quốc tế. Tỉnh Cao Bằng đáp ứng hoàn toàn các yếu tố nêu trên. Đây là một tỉnh ở phía bắc, có núi non trùng điệp, địa thế hiểm trở, rất thuận tiện cho cách đánh du kích khi mà lực lượng cách mạng buổi đầu còn non trẻ, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn. Với địa thế của Cao Bằng, lúc nào tương quan lực lượng cho phép có thể đánh địch một cách chủ động, như các trận đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền ở Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Gặp khi địch tiến công, gặp khó khăn, lực lượng ta có thể rút lui để bảo toàn lực lượng. Với địa thế giáp Trung Quốc, từ Cao Bằng cách mạng có thể liên lạc với các nơi trong nước, đồng thời cũng có thể liên lạc với Quốc tế Cộng sản và các nước khác.

Thứ hai, căn cứ địa phải là nơi có cơ sở cách mạng sớm, có nền nhân dân và phong trào quần chúng mạnh mẽ. Là một tỉnh địa đầu, trải qua những thăng trầm lịch sử, nhân dân các dân tộc Cao Bằng vừa phải đấu tranh vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh sống, đồng thời phải luôn luôn cảnh giác chống lại các thế lực phong kiến ngoại bang và địa chủ, cường hào, tay sai của giặc để tồn tại và bảo vệ giống nòi, bảo vệ quê hương, làng bản. Vì vậy, nhân dân các dân tộc anh em ở Cao Bằng mang đầy đủ bản sắc tốt đẹp là: anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục một sức mạnh nào; thật thà, chất phác, thủy chung. Nhất là khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được nhân lên gấp bội và càng trở nên sâu sắc. Nhiều chiến sĩ yêu nước và cách mạng đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tuyên truyền, tổ chức nhân dân đứng lên chống lại đế quốc, phong kiến trong cao trào 1930-1931, cao trào Mặt trận dân chủ 1936-1939. Đồng bào các dân tộc qua các phong trào đấu tranh đã ý thức được nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Đây chính là cái nền nhân dân được giác ngộ, qua thử thách mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng: đây chính là một đảm bảo cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Chính vì vậy, Người đã chọn Cao Bằng làm chỗ đứng chân, vì ở đây như Người đã chỉ rõ: là một trong những nơi sinh thành của Đảng, có phong trào sớm và có quần chúng nhân dân sẵn sàng đứng lên xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ, bảo vệ, nuôi dưỡng cách mạng.

Thứ ba, căn cứ địa phải là nơi có điều kiện để tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ. Là tỉnh có vị trí chiến lược hiểm yếu, nhưng Cao Bằng có vùng núi cao hiểm trở, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có những thung lũng, cánh đồng có khả năng canh tác nông nghiệp cung cấp lương thực cho nhân dân các dân tộc. Chính điều kiện tự nhiên và và truyền thống cần cù trong lao động của nhân dân các dân tộc, Cao Bằng có thể tự cung, tự cấp kinh tế trong điều kiện hoạt động bí mật. Đây là địa bàn mà địch khó có thể tập trung lực lượng để đàn áp trên phạm vi toàn tỉnh. Thực tiễn xây dựng căn cứ địa những năm 1941-1944 cho thấy, không ít lần thực dân Pháp mở các cuộc càn quét, khủng bố kéo dài nhưng các lực lượng cánh mạng không những không bị tiêu diệt mà còn trụ vững và phát triển… là do cách mạng vẫn đảm bảo được những nhu cầu tự cấp, tự túc về kinh tế.

Thứ tư, phải là nơi cơ cấu chính quyền của địch mỏng, yếu và lỏng lẻo, có lợi cho hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng, bất lợi cho hoạt động của chính quyền địch. Cao Bằng là một tỉnh nông thôn miền núi, nơi đây lực lượng và bộ máy cai trị của địch mỏng và yếu hơn các tỉnh và các đô thị vùng đồng bằng. Do đó ta có thể xây dựng các lực lượng chính trị vũ trang trong căn cứ địa, đảm bảo bí mật, thuận tiện cho tác chiến và có điều kiện phát triển về phía bắc, phía đông và phía nam, vừa có thể liên lạc nhờ sự giúp đỡ của quốc tế. Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là minh chứng sinh độngcho điểm này. Sự xuất hiện bất ngờ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với chiến thắng buổi đầu Phai Khắt, Nà Ngần vang dội đã có tác động mạnh mẽ gây hoang mang cho hàng ngũ quân địch; đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ vùng dậy tổng khởi nghĩa trên cả nước, đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân./.


Ngu?n: Báo QĐND điện tử














image advertisement