Ngày 28/01/1941 (tức ngày mùng 2 tết), sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về tổ quốc, Bác Hồ đã chọn Pác Bó - Cao Bằng làm nơi nhen lên ngọn lửa đoàn kết toàn dân, phát động thời kỳ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Bác về trong lòng đất nước.
Bác Hồ từ khi rời tổ quốc ra đi, tự kiếm sống để học tập, để tìm hiểu chọn một con đường cứu nước, thực tế khách quan đòi hỏi Bác phải tiếp nhận được 2 luồng thông tin, một là của đất nước Việt Nam đang bị thực dân pháp đô hộ, hai là với phong trào cách mạng thế giới để liên kết với phong trào của Việt Nam tạo nên một sức mạnh chung. Bác gặp được “Luận cương về dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Bác đứng trước một nhiệm vụ là phải chuyển giao những thông tin đã thu nhận, sàng lọc tới đồng bào mình trên đất Pháp, trong các thuộc địa và chính ở đất nước Việt Nam. Trước yêu cầu bức thiết ấy đã thôi thúc Bác mở một con đường liên lạc hai chiều với phong trào, chính nhờ con đường giao thông liên lạc ấy Bác đã chuyển báo LeParia đến các tổ chức người Việt trên các thuộc địa Pháp, về Việt Nam, tiếp sau đó là báo Thanh niên, sách Đường cách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, việc đưa đón cán bộ đi huấn luyện, đi công tác, dự hội nghị.
Năm 1941, về đến Cao Bằng sau 30 năm xa Tổ quốc, 30 năm Người duy trì một đường liên lạc nay đã đặt chân đến được đầu mối, khiến Người rất xúc động. Nhưng Cao Bằng mới chỉ là một đốm lửa phải làm sao đưa được đốm lửa ấy về các nơi khác để dần dần biến thành một đám cháy thiêu đốt lũ thực dân, đế quốc, phát xít ...với những kinh nghiệm tuyên truyền, tổ chức vận động của mấy chục năm hoạt động cách mạng Người đã sản sinh ra một câu nói bất hủ tại Cao Bằng về giao thông liên lạc “Việc liên lạc, là một việc quan trọng hàng đầu bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo sự thắng lợi”. Lời dạy ấy, chỉ thị có tính nguyên tắc ấy, như lời đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định là “ Không bao giờ được quên những trang quá trình tranh đấu” được ra đời trong căn cứ địa Cao Bằng - chỉ có thể ở Cao Bằng trong điều kịên lịch sử ấy- không thể ở nơi nào khác được.
Phong trào ở Cao Bằng được phát triển rộng khắp, nhưng phong trào không thể dừng lại ở đó, căn cứ địa cần phải mở rộng, vì thế Bác đã chỉ thị “Phải cấp tốc tổ chức ngay con đường quần chúng” từ Cao Bằng đến miền xuôi thì lúc khủng bố mới có thể giữ vững được mối liên lạc, lúc hoạt động vũ trang các đội du kích mới có thể vận động một cách dễ dàng. Phong trào Nam tiến “ chuyên môn hoá đi Nam tiến” đã tập trung hơn 100 cán bộ phần lớn là con em của Cao Bằng, tổ chức ra 19 đội xung phong Nam tiến, phối hợp cùng với địa phương dùng lối vũ trang tuyên truyền, cứ lớp trước phát triển, lớp sau củng cố, không chỉ đơn thuần là một con đường giao thông mà là một con đường truyền bá tư tưởng cách mạng, một phương pháp tổ chức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 1 măm hoạt động, cuối năm 1943 tại vùng giáp giới Cao Bằng, Bắc Kạn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Bác, thay mặt đoàn thể mở hội ăn mừng Nam tiến thành công và trao cờ “Xung phong thắng lợi” cho anh chị em cán bộ.. Nhờ sự đóng góp của cán bộ Cao Bằng, xuất phát từ Cao Bằng mà con đường nam tiến đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi, nếu như không nói là quyết định cho những hoạt động cách mạng về sau, trong cao trào khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền... xa hơn nữa, nếu sau này con đường Hồ Chí Minh chạy dọc Trường sơn mang tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào miền Nam, trong chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta cũng không thể quên rằng điểm ra đi đầu tiên của con đường ấy chính là ở Cao Bằng, với câu nói bất hủ, di sản vô giá về giao thông cách mạng Việt Nam mà đồng bào, cán bộ, nhân dân Cao Bằng vinh dự thay mặt cả nước đón nhận trực tiếp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cao Bằng cái nôi của cách mạng, ngôi sao của Việt Bắc, của Việt Nam, nơi đã cung cấp cho cách mạng nhiều chiến sĩ giao thông ưu tú nhất đã đi vào lịch sử. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung có thể từ câu nói đó của Bác tìm ra được một hướng đi mới, một sức mạnh mới để chứng minh thêm sự trường tồn vĩnh cửu về lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bế Lưu Băng
(Trích tài liệu Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng)