Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ vận tải quân đội được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá
Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với đơn vị Bộ đội vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (28/3/1951) vừa được UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 697/QĐ-UBND, ngày 20/4/2006 công nhận xếp hạng điểm di tích lịch sử - văn hoá.
Do các nhân chứng lịch sử đến nay không còn nhiều và các cụ còn sống nay đã ngoài 80 tuổi nên công tác đi tìm nhân chứng, địa điểm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với đơn vị vận tải đầu tiên của Quân đội ta tại tỉnh Cao Bằng gặp không ít khó khăn. Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng đã tiến hành công tác chuyên môn nghiên cứu khảo sát, xác minh địa điểm di tích và lập hồ sơ khoa học di tích trong năm 2005. Để tìm được nhân chứng, Ban quản lý di tích đã tìm gặp ông Bế Học nguyên là bộ đội thuộc Đại đội 204 Bộ đội vận tải, ông Trần Thiết, nguyên Trung đội trưởng thuộc Đại đội vận tải 201, đã ngoài 80 tuổi, đang sinh sống ở Thị xã Cao Bằng. Cả hai nhân chứng đề trực tiếp nghe Bác Hồ nói chuyện và đều cùng xác định được địa danh là ở km8, km9 thuộc đường Quốc lộ 3. Qua thực tế đi xác minh chỉ dẫn đến địa điểm cụ thể vẫn còn gặp phải khó khăn bởi địa hình, địa vật nhiều chỗ tương tự giống nhau và đã có sự thay đổi nên chưa thể xác định rõ địa điểm được. Một thời gian sau, Ban quản lý di tích phải tìm nhân chứng lịch sử lão thành cách mạng là người địa phương có trí nhớ tốt, là các cụ Nguyễn Đức Nhan, Lương Triệu Bào, Bế Văn Hồ đều cư trú tại thôn Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An và UBND xã bạch Đằng cùng xác định thống nhất địa điểm di tích. Đó là đám ruộng của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh cách đường ô tô khoảng 100m thuộc km 9 đường Quốc lộ 3, thuộc thôn Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.
Nội dung tóm tắt bài nói chuyện đêm 28/3/1951 của Bác Hồ với đơn vị Bộ đội vận tải: Bác căn dặn các chú thu được một số xe của địch, thế là tốt, vì các chú đã lấy xe của địch diệt địch, “gậy ông đập lưng ông”. Đó là cái vốn, các chú phải giữ gìn lấy. Vốn này đã phát triển nhiều thêm.
Người căn dặn: Hiện nay nước ta chưa sản xuất được xe. Xăng dầu cũng vậy, có rất ít. Kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe “Yêu xe như con, quý xăng như máu”...Cuối cùng Bác căn dặn anh em Bộ đội vận tải là phải biết đoàn kết, giúp đỡ nhau, khắc phục những khó khăn thiếu thốn. Bắc bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” cho anh em bộ đội cùng hát. Ngày Bác Hồ đến thăm đơn vị Bộ đội vận tải đầu tiên với lời dạy bảo quý giá của Người đã trở thành ngày truyền thống của ngành xe – máy Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hoàng Hà (sưu tầm)