Chủ nhiệm đề tài: Đàm Quang Gióng
Đơn vị thực hiện: Sở Văn hoá thể thao và Du lịch
Thời gian thực hiện: 2008 – 2010
I. Đặt vấn đề
Tiền sử học là khoa học nghiên cứu lịch sử con người ở giai đoạn chưa có chữ viết, tức là trước khi hình thành Nhà nước, vì vậy thời kỳ tiền sử rất dài, bắt đầu từ hàng triệu năm trước, với sự xuất hiện của những con người tối cổ đầu tiên mà giới khoa học thường gọi là Người đứng thẳng, cho đến khi con người bước vào văn minh thời đại kim khí phát triển, cách đây khoảng hai nghìn năm trăm năm. Do đó việc nghiên cứu tiền sử Cao Bằng cũng được đặt trong khung thời gian đó, từ thời đại đá cũ đến giai đoạn các vua Hùng. Trước những năm 1971, Cao Bằng hầu như là một điểm trắng trên bản đồ văn hoá khảo cổ nước ta, trong khi đó ở các tỉnh liền kề đã có nhiều phát hiện di tích văn hoá khảo cổ nổi tiếng. Trong những năm gần đây Bảo tàng Cao Bằng đã phối hợp với Vịên khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong việc điều tra và nghiên cứu các nền văn hoá tiền sử trong tỉnh. Qua điều tra cho thấy Cao Bằng là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, có những di tích, di vật đánh dấu những giai đoạn chính trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc. Tuy nhiên hầu hết các kết quả nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ thông báo phát hiện, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào mang tính hệ thống về văn hoá tiền sử Cao Bằng.
II. Mục tiêu
Xuất phát từ thực tế đó Sở Văn hoá thể thao và du lịch Cao Bằng đã thực hiện đề tài, với mục tiêu: Khẳng định Cao Bằng là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, có sự phát triển liên tục từ thời đại đá cũ đến thời đại văn minh; đánh giá, xác định niên đại các di chỉ khảo cổ học, các hiện vật thời đại kim khí; cung cấp một số hiện vật về khảo cổ học phục vụ cho công tác trưng bày và giới thiệu thời tiền sử và sơ sử.
III. Kết quả nghiên cứu
1. Hệ thống hoá các tài liệu, số liệu, tư liệu nghiên cứu khảo cổ học về Cao Bằng qua các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh:
Hệ thống hoá các tư liệu, bản vẽ, ảnh minh hoạ về khảo cổ học Cao Bằng qua các thời kỳ và đánh giá xác định niên đại một cách khoa học như: Sưu tập đồ đá, trống đồng, di vật đồng, di vật gốm và đất nung.
Nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng: Viết phiếu 300 hiện vật đá, gồm các thông tin như xác định tên gọi hiện vật, miêu tả hiện vật, xác định niên đại hiện vật. Dập hoa văn 15 trống đồng, bản vẽ, bản minh hoạ; lập phiếu trống đồng xác định nguồn gốc xuất xứ hiện vật, miêu tả hoa văn, kích thước, trọng lượng…
Nghiên cứu tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam: Qua nghiên cứu tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, cho thấy nhiều nhà khảo cổ đã có những bộ sưu tập đồ đá của Cao Bằng hiện nay đang được lưu giữ tại bảo tàng như: Bộ sưu tập 122 tiêu bản rìu, bôn có vai; bộ sưu tập 12 chiếc cuốc có vai, 23 chiếc rìu, bôn tứ giác; bộ sưu tập 183 tiêu bản thuộc loại hình công cụ không có vai và loại hình công cụ có vai, gồm: Rìu hình thang, bôn hình thang, rìu có vai...
Loại hình rìu, bôn một vai cũng đã từng phổ biến trong lớp văn hoá Hạ Long của di chỉ Cái Bèo. Sau khi nghiên cứu 5 chiếc rìu, bôn một vai trong sưu tập Cao Bằng, tác giả Phạm Thị Ninh cho rằng những chiếc rìu bôn một vai là những chế phẩm hoàn chỉnh, là một loại hình công cụ độc lập bên cạnh những công cụ rìu bôn có vai và rìu bôn không vai trong sưu tập Cao Bằng.
2. Kết quả triển khai tại 8 huyện: Nhóm thực hiện dự án đã tiến hành khảo sát các hang động, nơi cư trú của người nguyên thuỷ, các bãi đất ven sông, suối tại 8 huyện Trùng Khánh, Hoà An, Thông Nông, Quảng Uyên, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Thạch An, Bảo Lạc, đã sưu tập được 513 hiện vật, chủ yếu là hiện vật đá bao gồm các công cụ lao động như rìu, dao, chày nghiền… đặc trưng nổi bật của bộ sưu tập là những hòn đá cuội và những mảnh cuội lớn để chế tác công cụ.
3. Sơ bộ xác định giá trị các di tích khảo cổ bằng phương pháp khoa học: Qua phân tích xác định niên đại bằng phương pháp thạch học 185 mẫu, trong đó hiện vật tại di tích Ngườm Vài huyện Thông Nông là 85 mẫu, 100 mẫu tại các di tích khác như tại huyện Bảo Lạc, huyện Quảng Uyên cho thấy loại đá Quartzite được sử dụng nhiều nhất trong các bộ sưu tập, tiếp đó là loại đá Porphyrite và Phtanite. Với phần thạch học này các công cụ đá Cao Bằng có đặc điểm thạch học gần với các sưu tập đá Hà Giang, Tuyên Quang và khác với các công cụ đá ở Lạng Sơn. Phân tích xác định niên đại 5 mẫu sưu tập bằng phương pháp cacbon phóng xạ C14 cho thấy bước đầu có thể đánh giá chung về khung niên đại tuyệt đối cho di tích hang Ngườm Vài huyện Thông Nông vào khoảng từ 5600 năm - 4800 năm trước công nguyên, di tích hang Ngườm Bốc huyện Hoà An vào khoảng từ 6400 năm – 5500 năm trước công nguyên.
4. Tổ chức Hội thảo khoa học: Từ kết quả nghiên cứu đã tổ chức Hội thảo khoa học có sự tham gia của các nhà nghiên cứu khảo cổ học tại Viện khảo cổ học Việt Nam và các nhà nghiên cứu địa phương đã phân tích, đánh giá về các di chỉ khảo cổ, các hiện vật sau sưu tầm và khai quật, góp phần khẳng định: Cao Bằng là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, có sự phát triển liên tục từ thời đại đá cũ đến thời đại văn minh, với những di tích, di vật đánh dấu những giai đoạn chính trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc.
5. Biên soạn và xuất bản cuốn sách “ Nghiên cứu thời tiền sử Cao Bằng qua các di chỉ khảo cổ”: Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện dự án đã biên soạn cuốn sách Nghiên cứu thời tiền sử Cao Bằng qua các di chỉ khảo cổ, cuốn sách có bố cục hợp lý với những tư liệu chính xác, các bản vẽ, hình minh hoạ.