Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên
Lượt xem: 1209
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí đặc biệt của thanh niên (TN) đối với sự nghiệp cách mạng (CM), tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động CM, Người luôn quan tâm tới vấn đề giáo dục, đào tạo toàn diện các thế hệ TN Việt Nam, tổ chức TN vào các phong trào CM của đất nước. Trước khi đi xa, Người căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức CM cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ CM cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Sau ba mươi năm đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người bắt liên lạc với Tâm Tâm xã (tức Tân Việt TN Đoàn) và tổ chức yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Nguyễn Ái Quốc chọn những TN trong tổ chức nói trên và một số TN yêu nước vừa vượt lưới mật thám Pháp từ trong nước sang, mở lớp huấn luyện chính trị để đào tạo họ thành những cán bộ cho phong trào CM trong nước. Đây cũng là cơ hội thành lập tổ chức CM đầu tiên của nước ta: Hội Việt Nam CMTN (năm 1925), là vườn ươm những chiến sĩ CM tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Tại đây, Người mở lớp huấn luyện cán bộ, xuất bản báo Thanh niên để truyền bá tư tưởng CM sâu rộng trong dân. Cuốn sách "Đường cách mệnh" do Người viết là sách giáo khoa cho các lớp huấn luyện của Hội Việt Nam CMTN ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là vườn ươm để sản sinh ra những chiến sĩ cộng sản có tài, có đức, nguyện phấn đấu cho lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Khi về nước những cán bộ trẻ tuổi này sẽ đi vào quần chúng công nông các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, làng quê, để thức tỉnh quần chúng công nông, để học hỏi, tiếp tục rèn luyện cán bộ, đảng viên trong thực tiễn CM.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) vừa là người tổ chức vừa là giảng viên chính của các lớp huấn luyện. Người đã xây dựng một chương trình huấn luyện vừa bảo đảm chiều rộng lẫn chiều sâu, kết hợp tính đơn giản với nâng cao, bao gồm những vấn đề rất cơ bản về học thuyết Mác - Lê-nin, về những nguyên tắc hoạt động, những kỹ năng thực hành của người CM gắn chặt với các đặc điểm truyền thống của đất nước và của dân tộc. Người đã dành hầu hết thì giờ cho các lớp huấn luyện, từ lên lớp đến nghe học viên thảo luận và cả việc thực hiện chương trình ngoại khóa, như: tham quan, thâm nhập thực tế sôi động ở Quảng Châu hồi đó. Mỗi lớp học tuy chỉ mấy tháng, nhưng những điều học được từ các lớp huấn luyện ở Quảng Châu hồi đó là rất quý báu, bởi vì rất mới mẻ, rất hợp với hoài bão của Người. Vì vậy, những bài giảng đó đã thấm sâu, làm biến đổi sâu sắc trong tâm trí, tư cách và tác phong của học viên để trở thành người chiến sĩ CM.

Ngày 28/1/1941 (ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), Người đã mở những lớp học cho cán bộ CM và đồng bào dân tộc ở Pác Bó. Chính Người đã tham gia biên soạn các tài liệu dạy học và trực tiếp dạy cho lớp TN dân tộc được giác ngộ CM. Người đã động viên những TN này phải học chữ để hiểu được lý luận CM và căn dặn họ khi đi vào vận động CM phải biết dạy quần chúng để giúp họ thoát khỏi đời sống tinh thần tăm tối. Từ những lớp học này, nhiều TN ở Pác Bó đã trở thành những cán bộ cốt cán CM và cán bộ cao cấp trong quân đội sau này, xứng đáng với quê hương cách mạng Pác Bó - Cao Bằng.

Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta coi công tác TN là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của CM. Vì vậy, Đảng luôn thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển toàn diện thế hệ trẻ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe và nghề nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện để TN có việc làm, phát huy tài năng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó trong các thời kỳ CM, TN luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần yêu nước, hăng hái xung phong, không ngại khó khăn gian khổ hy sinh, kế tục và phát huy truyền thống CM của thế hệ đi trước. Người đã nhiều lần khen ngợi TN ta là: "Thế hệ TN anh hùng của một dân tộc anh hùng, của thời đại anh hùng". Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, TN đang hăng hái đi đầu trong các phong trào thi đua sôi nổi, như các phong trào: "TN lập nghiệp", "Tuổi trẻ giữ nước", "TN tình nguyện"..., góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống quê hương CM Cao Bằng, mỗi tổ chức Đoàn, đoàn viên TN cần tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu trở thành những người đi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.














image advertisement