Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kế thừa từ tư tưởng Hồ Chí Minh
Lượt xem: 1444
Là một đất nước nông nghiệp, vấn đề xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và an ninh, quốc phòng. Nhận thức được điều này, ngay từ những ngày đầu mới thành lập Đảng - Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem đây là phần quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được khai sinh thì phong trào “Xây dựng đời sống mới” cũng lập tức được phát động.
Để hiện thực hóa các mục tiêu của phong trào này, ngày 3 tháng 4 năm 1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Ngày 20 tháng 3 năm 1947, tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời với bút danh Tân Sinh có tác dụng chỉ đạo và là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của chúng ta.

Muốn xây dựng thành công nông thôn mới mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình. Trên cơ sở đó góp phần xây dựng đời sống mới cho cả cộng đồng. Bác khẳng định: “Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường”. Việc xây dựng đời sống mới phải được thực hiện trên các nguyên tắc: Cần, Kiệm, Liêm, Chính và tích cực tăng gia sản xuất theo tinh thần “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Bác nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất được ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau”.

Đất nước ta còn nghèo lại đang phải khắc phục nhiều hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Kể từ sau khi thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986), nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng… đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Công cuộc CNH, HĐH đất nước không ngừng làm “thay da đổi thịt” bộ mặt của một đất nước đang phát triển, trong đó phải kể đến những đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp. Vì thế mỗi cá nhân, mỗi tập thể và cả cộng đồng phải cố gắng nhiều hơn nữa trong lao động, sản xuất, trong tìm tòi - học hỏi và áp dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Bác dạy rằng: “Đối với mỗi người: Việc gì có lợi cho Nước phải ra sức làm, việc gì hại cho Nước phải hết sức tránh; bất cứ việc to, việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Đối với làng xã: Về văn hóa phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm. Tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình trở thành một làng “thuần phong mỹ tục.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng phẩm chất đạo đức, nhân cách và khả năng của người nông dân là vấn đề nòng cốt. Trên cơ sở đó, người nông dân (vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới) phải siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có tinh thần làm chủ, chủ động, sáng tạo trong lao động, sống có tinh thần, trách nhiệm, có tình, có nghĩa, luôn thương yêu, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”... Về mặt kinh tế phải làm cho người dân nông thôn có đủ cơm ăn, áo mặc, được học hành đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, được chữa bệnh mỗi khi ốm đau. Về mặt đạo đức phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi dù là cây kim sợi chỉ của chung. Về tác phong, từ sinh hoạt đến làm việc, phải rõ ràng, công bằng, sòng phẳng, có kế hoạch, khoa học và gọn gàng, ngăn nắp.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng đời sống mới, ngày mùng 4 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu chung: “Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để từng bước đạt được các mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới)” và “Đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới)”. Trong 11 chương trình, mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt, chúng ta phải tập trung chỉ đạo và thực hiện bốn chương trình mục tiêu cơ bản và trọng tâm là: “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa thông tin và truyền thông nông thôn”.

Trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới phải lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần vì nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Xây dựng đời sống văn hóa của nông thôn mới cần gắn với cội nguồn mà nhân tố trung tâm là con người. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tư do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng”. Với vai trò như vậy, chúng ta cần nhận thức sâu sắc phải nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa vì có nhận thức đúng mới có hành động đúng và quyết tâm cao. Một khi ý nghĩa và giá trị của văn hóa đã thấm sâu vào tâm trí, vào tư duy nó sẽ nuôi dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị và lý tưởng cộng sản của mỗi người. Bên cạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa là công tác truyền thông nông thôn. “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách đơn giản, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó....Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”.

Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng KT-XH tạo ra hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ như: điện, đường, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, bưu điện và các công trình công cộng khác làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục ở nông thôn. Trên cơ sở đó nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người dân nông thôn. Điều này giúp cho họ không chỉ dừng lại ở “ăn no, mặc ấm” mà phải vươn đến ăn ngon, mặc đẹp với cuộc sống đầy đủ tiện nghi, phương tiện lao động đầy đủ và hiện đại.

Một điều cốt lõi mà chúng ta phải luôn chú ý trong quá trình xây dựng nông thôn mới là vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Bác khẳng định rằng: phải có Đảng lãnh đạo thì việc xây dựng nông thôn mới với thành công được nhưng lãnh đạo phải dân chủ, luôn ân cần đi sâu, đi sát, mọi việc đều phải đem ra bàn bạc lấy ý kiến và sự thống nhất của nhân dân. Làm như vậy, nhân dân càng tín nhiệm Đảng, chính quyền càng nêu cao tinh thần tập thể, tinh thần làm chủ, tinh thần chủ động và càng hăng hái lao động sản xuất. Bên cạnh vai trò của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đi được một nửa chặng đường. Tại thời điểm này (tháng 04/2014) chưa có báo cáo kết luận về kết quả thực hiện mục tiêu cụ thể thứ nhất là “Đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới” nhưng rõ ràng bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc về mọi mặt. Công tác dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng KHKT trên các cánh đồng mẫu lớn đã tạo ra năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Cho đến nay, mặc dù đã trải qua gần 70 năm nhưng những tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng đời sống mới, xây dựng nông thôn mới vẫn còn nguyên giá trị và sẽ mãi mãi là tư tưởng chỉ đạo và là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của đất nước ta.

NGUYỄN THANH TUẤN, VÕ THỊ THANH THÚY, TRẦN THỊ NGỌC NY














image advertisement