Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Lượt xem: 1701
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng của dân tộc đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi vẻ vang, Người đã đi xa nhưng những dấu ấn mà Người để lại luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới nghiên cứu lý luận cũng như các nhà hoạt động thực tiễn, năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019), trong đó có nội dung Người dặn về chăm lo đời sống Nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, khát vọng đó đã theo đuổi trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời thiếu niên 15 tuổi, chứng kiến đời sống nhân dân cơ cực trong lầm than bởi ách đô hộ của Thực dân Pháp, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
Sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.
Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Tầm nhìn chiến lược của một thiên tài về những công việc phải làm trong tương lai, giải quyết những vấn đề của tương lai ngay trong thực tại, đi trước tồn tại xã hội và ý thức xã hội một bước, giới lý luận gọi đó là nhà tư tưởng. 50 năm thực hiện Di chúc của Người, những giá trị cốt lõi ấy vẫn luôn hiện hữu hàng ngày trong cương vị công tác của mỗi Đảng viên. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức đã đặt bút ký vào Bản cam kết nêu gương năm 2019, trong đó có những việc làm cụ thể đã đăng ký tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân sẽ dõi theo mỗi cán bộ đảng viên trong những việc làm cụ thể về chăm lo đời sống nhân dân./.














image advertisement