Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Mối quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân
Lượt xem: 1424
Trong nhiều bài nói, bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định rằng, Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân, không được xa rời nhân dân. Quan hệ đó cần chặt chẽ đến mức như Hồ Chí Minh giải thích “nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”

Hồ Chí Minh cho rằng muốn cho sự nghiệp cách mạng thành công cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với lực lượng đông đảo của nhân dân. Để có đường lối, chính sách đúng, người cán bộ lãnh đạo không thể chỉ ngồi nơi bàn giấy để chờ báo cáo mà phải đi tận nơi, xem tại chỗ. Nghĩa là phải gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, nắm vững tâm tư nguyện vọng và điều quan trọng là để học hỏi nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ nhân dân Việt Nam không chỉ cần cù, chịu khó mà còn thông minh, sáng tạo. Nếu có ý thức tìm hiểu nghiêm túc với tinh thần cầu thị thì qua các phong trào quần chúng và các cuộc tiếp xúc với nhân dân mỗi cán bộ sẽ có thêm kinh nghiệm và sự hiểu biết. Hồ Chí Minh yêu cầu qua mỗi cuộc tiếp xúc, cán bộ phải biết gom góp ý kiến, kinh nghiệm của quần chúng, học hỏi quần chúng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đó là một trong những thuận lợi cơ bản để cán bộ lãnh đạo xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tháng 10-1947, Người chỉ rõ: Dân rất tốt. Hồ Chí Minh đòi hỏi chúng ta phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng, phải nâng cao và mở rộng dân chủ. Việc gì cũng cần hỏi ý kiến dân chúng, cần dân chúng bàn bạc, được dân chúng đồng tình và vui lòng ra sức làm. Theo Người: “Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ… biết học hỏi quần chúng”. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ không được kiêu ngạo, lên mặt làm “quan cách mạng” mà phải khiêm tốn, thành tâm, chịu khó. Nếu không như thế “dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời” . Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán tư tưởng cho rằng dân chỉ là người lao động, không biết gì, vì vậy không có gì để học. Người cảnh báo đó là một sai lầm rất nguy hiểm, là nguy cơ của sự thất bại.
Người đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải coi trọng học hỏi, lắng nghe ý kiến nhân dân nhưng không quên vai trò lãnh đạo của mình. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, mà phải luôn luôn xác định mình vừa là người “đầy tớ”, “công bộc” của dân, vừa là người lãnh đạo nhân dân. Theo Hồ Chí Minh lựa chọn cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo phải chú trọng những người trong quần chúng mà ra, có tinh thần chắc chắn, chí khí vững vàng. Chỉ những người gần gũi, mật thiết với quần chúng thì mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của quần chúng, được quần chúng tin tưởng và thừa nhận đó là người lãnh đạo của họ.
Tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa to lớn khi đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong bối cảnh thế giới và trong nước có những chuyển biến nhanh chóng, khó lường; bên cạnh những thời cơ thuận lợi đan xen những nguy cơ thách thức. Có nguy cơ không chỉ từ khách quan mà nảy sinh từ chủ quan ở một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đó là một nguy cơ không thể xem thường. Xa rời nhân dân, không gắn bó mật thiết với nhân dân là một vấn đề rất nghiêm trọng, như cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là nguy cơ của sự thất bại.
Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta trước đây đã làm sáng tỏ hơn chân lý quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử. Nhờ nhân dân giàu lòng yêu nước, một lòng theo Đảng, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược bảo vệ nền độc lập dân tộc. Lịch sử đã ghi nhận vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển trong bối cảnh thế giới có những biến đổi mau chóng khó lường. Trong tình hình đó chỉ có dựa chắc vào nhân dân, khơi dậy tiềm năng cách mạng dồi dào, sáng tạo của nhân dân, mới có thể vượt qua những khó khăn thử thách để tiếp tục tiến lên.


Ngu?n: baocaobang.vn














image advertisement