Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hồ Chí Minh nói về đấu tranh giải phóng và tiến bộ của phụ nữ
Lượt xem: 1353
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò và khả năng của phụ nữ, đồng thời tin tưởng vào khả năng của ho. Ngay từ những bài giảng đầu tiên cho lớp huấn luyện cán bộ chính trị được tổ chức bí mật tại Quảng Châu (Trung Quốc), đầu năm 1925, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng nước ta, chuẩn bị về tổ chức, tư tưởng, đường lối để tiến tới thành lập một chính đảng mác xít của giai cấp công nhân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã dẫn lại câu nói của Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào” và câu nói của Lê-nin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Sau đó Người khẳng định: “Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”. Rồi Người nói rõ đối với Việt Nam: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào của phụ nữ Việt Nam:

Việt Nam phụ nữ đời đời

Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh

Ngàn thu rạng tiếng Bà Trưng

Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng

Bà Triệu Ẩu thật anh hùng

Cưỡi voi đánh giặc vẫy vùng bốn phương

Mấy năm cách mệnh khẩn trương,

Chị em phụ nữ thường thường tham gia

Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?

Trong cuốn “Lịch sử nước ta”, khi nói về phụ nữ, Người đã ca ngợi:

Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam mới ra đời, người phụ nữ được tự do, trở thành công dân của một nước độc lập, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được tham gia bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của cả nước, ngày 06/01/1946. Song, Hồ Chí Minh đã chỉ ra, phụ nữ vẫn chưa thật sự được tự do, chưa thật sự được giải phóng, đó là định kiến hàng nghìn năm của xã hội cũ. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xoá bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tạo mọi điều kiện để phụ nữ phát huy tài năng, sức lực của mình trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Hồ Chí Minh đã đặt người phụ nữ vào một vị thế mới, tạo những điều rất cơ bản, để phụ nữ có điều kiện phát triển. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam do Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn, ban hành năm 1946, trong Điều 9 ghi rõ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Nhưng để đạt được và thật sự có quyền đó, đòi hỏi người phụ nữ phải có ý thức vươn lên trong lao động, học tập...

Hồ Chí Minh luôn quan tâm, thúc đẩy sự phát triển, sự tiến bộ của phụ nữ. Người khuyến khích phụ nữ phải cố gắng học tập để nâng cao trình độ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Người chỉ bảo từng đối tượng, từng công việc cụ thể: Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội... Phụ nữ công nhân tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào tổ đổi công, hợp tác xã... Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đứng đắn, bài từ tệ “mua rẻ bán đắt”, tệ “mặc cả nói thách”. Người cũng rất chú ý động viên phụ nữ phải vượt qua sự tự ti, mặc cảm từ trước đây. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tại Hội nghị đại biểu phụ nữ tham gia chính quyền toàn miền Bắc: “Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng vào khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp nhau để giải quyết khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”. Trong Hội nghị cán bộ dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Hồ Chí Minh nói rõ: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Nhưng Người cũng nhấn mạnh: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể... cần phải chú ý quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động công tác, nhất là công tác quản lý, lãnh đạo. Đó chính là sự thể hiện rõ về quyền bình đẳng đối với người phụ nữ. Cùng với sự quan tâm tạo điều kiện đó, Người nhắc nhở: “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng cuộc sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.

Trước khi “từ biệt thế giới này”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử. Trong bản Di chúc thiêng liêng đó, Người đã dành cho phụ nữ sự quan tâm lớn lao, Người nhắn nhủ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.


Ngu?n: baocaobang.vn














image advertisement