Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Cao Bằng thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2015
Lượt xem: 1894
Trong năm 2015, toàn tỉnh đã huy động được trên 1.164 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (MTQGGN), kết quả giảm được 4.846 hộ nghèo, tỷ lệ hộ giảm 4,16%, đạt 104% chỉ tiêu kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong năm qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hệ thống chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; y tế, khám chữa bệnh; nhà ở; tiền điện cho hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin; hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù... Kết quả thực hiện các chính sách, dự án của Chương trình cụ thể như sau:

Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo:

Chính sách tín dụng ưu đãi: toàn tỉnh đã cho 10.949 lượt hộ nghèo vay với tổng doanh số 270.257 triệu đồng, 33.467 lượt hộ đang còn dư nợ, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo 917.256 triệu đồng; 286 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn với số tiền 5.723 triệu đồng; 6.296 hộ cận nghèo được vay với tổng doanh số cho vay là 249.001 triệu đồng, 10.845 lượt hộ còn dư nợ với số tiền 386.980 triệu đồng; 84 lượt hộ mới thoát nghèo được vay với số tiền 3.663 triệu đồng.

Chính sách dạy nghề, tạo việc làm: tổ chức được 35 hội nghị với 2.654 lượt người tham gia, tạo việc làm cho 10.200 lao động, số học viên được đào tạo nghề 3.914 học viên.

Chính sách hỗ trợ giáo dục – đào tạo: thực hiện hỗ trợ cho 26.651 học sinh, sinh viên với kinh phí 7.493 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ y tế: cấp 317.955 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội; 2.195 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo với tổng kinh phí 213.520 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội: thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.875 người; mua 22 thẻ BHYT cho đối tượng tâm thần đang nuôi dưỡng tại Trung tâm GD-LĐ xã hội tỉnh; thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 5.454 đối tượng xã hội; trợ cấp cứu đói tết và cứu đói giáp hạt cho 26.781 hộ với trên 1.655 tấn gạo.

Chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số: xây mới, sửa chữa 149 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 2.669 triệu đồng từ “Quỹ vì người nghèo”; hỗ trợ đầu tư 17 công trình nước sạch với tổng kinh phí 11.593 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ tiền điện và pháp lý cho người nghèo: đã thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 846.744 lượt hộ nghèo, hộ chính sách với số tiền 24.223 triệu đồng; trợ giúp pháp lý miễn phí cho 583 lượt hộ nghèo.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo tại vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đã thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo với kinh phí là 6.586 triệu đồng.

Dự án 1 (Nghị quyết 30a): tiếp tục thực hiện chính sách cán bộ đối với huyện nghèo từ chính sách cải cách tiền lương đối với 27 cán bộ tăng cường cho cấp xã, 108 tri thức trẻ và 44 Phó Chủ tịch xã; thực hiện các chính sách: hỗ trợ sản xuất cho 28.267 lượt hộ với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng; hỗ trợ trên 571 tấn gạo cho 3.152 lượt hộ nghèo thuộc các thôn bản biên giới và hộ nghèo nhận khoán chăm sóc bảo vệ và trồng rừng với tổng kinh phí 7,8 tỷ đồng; tổ chức được 10 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đào tạo nghề cho 1.744 học viên, xuất khẩu lao động cho 13 lao động đi làm việc ở các nước Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo; cơ sở hạ tầng được đầu tư với 43 công trình, tổng kinh phí đã giải ngân trên 120 tỷ đồng.

Dự án 2 (Chương trình 135): Đã hỗ trợ sản xuất cho 8.575 hộ với tổng kinh phí thực hiện là 28,713 tỷ đồng (đạt 53,8% KH năm); hỗ trợ đầu tư xây dựng cho 146 xã với 253 công trình, tổng số vốn đã thực hiện được 126,366 tỷ đồng (đạt 73,89% KH năm).

Dự án 3 (Mô hình giảm nghèo bền vững): với số vốn 1 tỷ đồng đã xây dựng mô hình thông qua việc xây dựng đường lên xóm tại 02 huyện Hoà An, Thông Nông với 55 hộ tham gia.

Dự án 4 (Dự án nâng cao năng lực, giám sát, truyền thông giảm nghèo): Với kinh phí được cấp năm 2015 là 3 tỷ đồng tỉnh đã tổ chức 218 lớp tập huấn triển khai các chính sách mới về giảm nghèo, Nghị quyết 30a, Chương trình 135, điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 và tổng điều tra giai đoạn 2016-2020 với 8.191 lượt người tham dự; hỗ trợ, tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác giảm nghèo tại các huyện và cơ sở; tổ chức 02 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo tại 02 cụm huyện, 01 cuộc tham vấn về CTMTQGGN tại cấp tỉnh với 80 người tham dự.

Kết quả thực hiện Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP: Hỗ trợ cho tỉnh tổ chức 07 cuộc nghiên cứu, 05 cuộc tập huấn TOT, 01 cuộc hội thảo, 04 cuộc đối thoại về chính sách giảm nghèo, với tổng kinh phí thực hiện trên 2,7 tỷ đồng.

Các hoạt động hỗ trợ khác: Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động: vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Hỗ trợ Nông dân, làm nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng nhà bán trú dân nuôi, cho thanh niên vay vốn giải quyết việc làm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tham gia làm mới và sửa chữa đường giao thông nông thôn; cho vay phân bón, giống cây trồng…

Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQGGN, đã “đánh thức” được tiềm năng về điều kiện tự nhiên và tạo thêm điều kiện, động lực để các hộ gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất. Chương trình đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh; các xã, xóm đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân ở nhiều xã, xóm vùng khó khăn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, với thu nhập ngày càng cao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình MTQGGN trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do nhận thức của một số cấp uỷ đảng, chính quyền về vai trò, ý nghĩa Chương trình chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ cơ sở một số nơi còn yếu về năng lực và kinh nghiệm quản lý.
Trong thời gian tới, để khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình MTQGGN, các cấp các ngành cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo; hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; thực hiện chính sách an sinh xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay giúp đỡ các hộ nghèo và hộ cận nghèo tích cực, mạnh dạn tham gia vào các chuỗi sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương nhằm ổn định, phát triển bền vững kinh tế gia đình.

NQ














image advertisement