Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
06 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII
Lượt xem: 1956
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII đã đề ra, Tỉnh ủy Cao Bằng vừa ban hành 06 Chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết. Các chương trình xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các ngành, các cấp, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Chương trình phát triển du lịch: Phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu nhập xã hội. Đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước. Phấn đấu đến năm 2020: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thành điểm du lịch Quốc gia; Khu du lịch Thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao thành Khu du lịch Quốc gia. Thu hút khách du lịch năm 2020 đạt 75 nghìn lượt khách quốc tế; 820 nghìn lượt khách nội địa; thu nhập xã hội từ du lịch đến năm 2020 đạt hơn 420 tỷ đồng; tỷ trọng GDP du lịch chiếm 3% tổng GDP toàn tỉnh.

Chương trình định hướng và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã: Hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã đến năm 2020 phát triển bền vững với cơ cấu hợp lý, gắn kết chặt chẽ với yêu cầu và định hướng phát triển KT-XH chung của toàn tỉnh, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sản phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường, có tính cạnh tranh cao, giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Phấn đấu mỗi năm thành lập mới trên 100 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã; khuyến khích tăng dần tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, dịch vụ thương mại và du lịch. Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có hơn 1.600 doanh nghiệp, 450 hợp tác xã. Phấn đấu thu nhập bình quân người lao động tăng 5%/năm; mỗi năm đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng bình quân 17% /năm. Đến năm 2020, phấn đấu giải quyết khoảng 35.500 lao động việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó, số lao động được tạo thêm việc làm khoảng 16.000 người...

Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về nông lâm nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển ổn định và hội nhập. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 4%/năm. Đến năm 2020 tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là 19,5% (Trong đó: trồng trọt 52,5%; chăn nuôi 33,2%; dịch vụ 2,2%; lâm nghiệp 11,5%; thuỷ sản 0,6%). Xây dựng được 10 mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm gắn với thương hiệu và thị trường ổn định. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng (tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015). Đến năm 2020 có ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; mức độ đạt chuẩn bình quân 12 tiêu chí/xã.

Chương trình phát triển hạ tầng giao thông: Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, phù hợp, chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu vận tải của tỉnh cũng như nhu cầu vận tải quốc tế thông qua tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất, lưu thông hàng hóa của nhân dân, hạ thấp giá thành vận tải bằng đường bộ; từng bước phát triển là đầu mối kết nối giao thông quan trọng, giao lưu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng như các nước ASEAN và ngược lại; đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và khai thác giao thông vận tải; chú trọng triển khai và đạt kết quả cao trong công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước đối với quản lý, sử dụng vốn bảo trì đường bộ; thực hiện có hiệu quả công tác bảo trì để khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng hiện có.

Chương trình phát triển kinh tế đối ngoại: Thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế đối ngoại. Tích cực tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về kinh tế, nhất là hợp tác với các địa phương của Trung Quốc mà tỉnh đã có quan hệ truyền thống. Phát huy nội lực, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài, tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã và sản phẩm chủ lực, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình kinh tế đại phương bền vững hơn, phù hợp với các xu thế phát triển của khu vực và mục tiêu, định hướng lớn về chiến lược tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020. Kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có kiến thức chuyên môn sâu, có năng lực, kỹ năng lãnh đạo quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn, tư duy đổi mới, phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý có cơ cấu hợp lý giữa các ngành, các lĩnh vực, đảm bảo tính kế thừa, phát triển để đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phấn đấu đến năm 2020: có 15% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nguồn quy hoạch có trình độ chuyên môn sau đại học; chú trọng đào tạo cán bộ, công chức thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hóa - du lịch, kinh tế đối ngoại. Trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; kiến thức quốc phòng an ninh; kỹ năng lãnh đạo quản lý theo chức danh. Mỗi sở, ban, ngành, huyện, thành phố có 1 đến 2 cán bộ, công chức sử dụng thông thạo được một trong năm thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Trung, Nga), đặc biệt là tiếng Trung Quốc. 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ sử dụng thành thạo tin học, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ và công chức, viên chức trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó trình độ cao cấp, cử nhân chiếm 60%...














image advertisement