Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tập huấn thâm canh, thu hoạch và bảo quản quýt tại Trà Lĩnh
Lượt xem: 2676
Thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh” cho sản phẩm quýt của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng”, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức thành công lớp tập huấn thâm canh, thu hoạch và bảo quản quýt cho hơn 80 hộ nông dân trồng quýt trên địa bàn huyện Trà Lĩnh.
Trong những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ quýt của huyện Trà Lĩnh ngày càng lớn nên nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Trà Lĩnh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng quýt. Để nâng cao năng suất và thu nhập từ việc trồng quýt, một số hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ những vườn quýt già, cằn cỗi và trồng mới. Cây quýt giống dùng để trồng mới là do người dân địa phương tự triết cành từ cây quýt trưởng thành trên cơ sở kỹ thuật triết ghép được cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (thuộc Sở KH&CN) tập huấn trong khuôn khổ dự án “Xây dựng vườn gen và vườn ươm giống của một số giống cây ăn quả có giá trị của Cao Bằng” năm 2003. Tuy nhiên do chưa có kiến thức khoa học đầy đủ trong việc thâm canh như: việc xác định cành cây như thế nào sẽ cho nhiều quả và cành nào thì thường ít quả cần đốn bỏ để tiết kiệm dinh dưỡng cho cây,… nên năng suất và trọng lượng của quả quýt không đồng đều giữa các cây và giữa các năm; nhiều cây bị bệnh hại và chết khi đang ở tuổi cho năng suất quả cao nhưng người dân không biết cách tiêu diệt mầm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng, cũng như cách phòng bệnh cho các cây khác;… Xuất phát từ thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã ký hợp đồng thuê các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật nghiên cứu xây dựng quy trình thâm canh, thu hoạch và bảo quản quýt và tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân trồng quýt trên địa bàn huyện Trà Lĩnh.

Tham gia lớp tập huấn các hộ dân đã được nghe chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật cung cấp nhiều thông tin bổ ích và hướng dẫn các kỹ thuật về sản xuất cây có múi sạch bệnh, quy trình phục tráng, làm sạch bệnh greening và các bệnh víu khác trên cây ăn quả bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi; sâu hại trên cây ăn quả có múi; các nhóm thuốc bảo vệ thực vật và nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; kỹ thuật thu hái và bảo quản quýt sau thu hoạch.

Để giúp các hộ dân nắm bắt các kiến thức về kỹ thuật thâm canh, thu hoạch và bảo quản quýt được kỹ và sát thực tế, Viện Bảo vệ thực vật đã mời anh Nguyễn Văn Nghiên - là một nông dân tiêu biểu, có kinh nghiệm giỏi trong sản xuất và bảo quản các loại cây ăn quả có múi, nhất là cây cam Canh tại tỉnh Hưng Yên đến chia sẻ các kinh nghiệm anh đã tích lũy được từ thực tế, đồng thời chia sẻ thông tin với các hộ trồng quýt Trà Lĩnh về một số loại thuốc phòng trừ bệnh hại trên cây và quả quýt an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí mà anh đã và đang sử dụng. Đây là những kiến thức bổ ích giúp cho các hộ nông dân trồng quýt của huyện Trà Lĩnh có thể học tập và áp dụng ngay vào thực tế để thâm canh cây quýt đạt hiệu quả ổn định về năng suất và chất lượng tốt đồng đều qua các năm, nhằm giữ gìn và phát triển thương hiệu quýt Trà Lĩnh.

Nhiều hộ dân có mặt tại lớp tập huấn đã mạnh dạn chia sẻ những vướng mắc trong quá trình trồng, chăm sóc, cũng như bảo quản quýt trong vụ thu hoạch và được chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật giải thích, hướng dẫn biện pháp khắc phục trong từng trường hợp cụ thể.

Đối với một số trường hợp bệnh hại trên cây và quả quýt được các hộ dân nêu ra tại lớp tập huấn không được mô tả rõ ràng và không có mẫu bệnh phẩm minh họa, Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật đã đến thị sát tận vườn để xem triệu chứng và hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ, cũng như cách thâm canh hiệu quả.



Chuyên gia Viện Bảo vệ thực vật hướng dẫn người dân cách phòng trừ một số loại bệnh hại trên cây quýt tại hiện trường

Qua quan sát thực tế tại một số vườn quýt của các hộ dân trồng quýt xã Quang Hán, các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến các vườn quýt không cho năng suất đồng đều giữa các năm là do người dân không tỉa bớt quả ở những cành quá sai trong vụ trước và không biết cách đốn cành sau thu hoạch, khiến cây không có đủ dinh dưỡng để nuôi quả trong vụ sau. Đối với bệnh thối quả, các chuyên gia đã lấy mẫu để mang về Viện phân tích để tìm ra nguyên nhân và giải pháp hướng dẫn người dân biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Từ các kiến thức đã được trang bị tại lớp tập huấn và thực tế hiện trường nhiều hộ dân đã tự tin khẳng định có thể vận dụng ngay vào thực tế thâm canh, thu hái và bảo quản quýt trong thời gian tới.

Cùng với việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh”, thì việc người dân trồng quýt nắm và áp dụng các hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh, thu hái và bảo quản quýt sau thu hoạch nhằm giữ vững chất lượng của sản phẩm và phát huy lợi thế cạnh tranh là sản phẩm sạch vì sức khỏe người tiêu dùng sẽ là một biện pháp hữu hiệu để quýt Trà Lĩnh trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường và ngày càng có giá trị kinh tế cao, trở thành cây trồng mũi nhọn giúp người dân huyện Trà Lĩnh phát triển kinh tế gia đình bền vững.














image advertisement