Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kết quả thực hiện nội dung đột phá về phát triển nông nghiệp thông minh năm 2022 và một số giải pháp thực hiện năm 2023
Lượt xem: 134
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIX của tỉnh Cao Bằng đã xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Thực hiện Đề án “Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030”, năm 2021, tỉnh đã thành lập Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2021 - 2025.
anh tin bai

Hệ thống tưới của mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hòa An,Cao Bằng. Ảnh HK

 

Thực hiện kế hoạch số 09 - KH/BCĐ ngày 24/3/2022 của Ban chỉ đạo thực hiện nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển nông nghiệp thông minh, theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu với chế biến giai đoạn 2022 - 2025, năm 2022 tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số kết quả như sau: Bước đầu hình thành các vùng trồng trọt tập trung các loại cây có giá trị kinh tế cao của tỉnh như cây Hồi, Quế, Thạch đen, Thuốc lá cùng với việc chuyển đổi diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng đột phá có giá trị kinh tế cao hơn; Việc hỗ trợ phát triển  các đàn vật nuôi chủ lực như trâu bò, lợn bằng các hình thức hỗ trợ xây chuồng trại, hỗ trợ mua con giống đã thúc đẩy phát triển chăn nuôi của tỉnh, kết quả tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng so với năm 2021; Triển khai thi công một số dự án đầu tư trong điểm vào nông nghiệp như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa, Dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Sở KH&CN thực hiện... bước đầu đặt nền móng cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản phẩm như OCOP, VietGAP, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, có 09 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch gồm: diện tích trồng mới cây Lê, Thuốc lá, Hồi, Quế, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm OCOP; có 02 chỉ tiêu đạt 80 - 90% kế hoạch gồm trồng mới cây Thạch đen, hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt; 03 chỉ tiêu đạt kế hoạch gồm trồng mới cây Dẻ, Trúc sào và trồng cỏ chăn nuôi...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua phát triển nông nghiệp còn có những khó khăn, hạn chế  đó là: Quy mô trồng trọt, chăn nuôi còn nhỏ lẻ mang yếu tố hộ gia đình, người dân trong tỉnh mới bắt đầu tiếp cận với sản xuất hàng hóa (cần phải có quá trình thay đổi tư duy) nên chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị từ người sản xuất - thị trường tiêu thụ sản phẩm; Thách thức về khoảng cách đại lý, điều kiện hạ tầng giao thông, chi phí vận chuyển, bảo quản nông sản; kỹ thuật sản xuất còn hạn chế lạc hậu; điều kiện để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn gặp nhiều khó khăn so với các tỉnh khác; Việc xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, tập trung còn nhiều khó khăn do nhiều yếu tố nên một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch; Việc lồng ghép các nguồn nhà đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nhiều địa phương còn lúng túng. Nguồn lực chủ yếu trông chờ vào các nguồn vốn Trung ương, do đó khó khăn trong việc chủ động triển khai các nội dung hỗ trợ; Việc chỉ đạo thực hiện nội dung đột phá nông nghiệp lãnh đạo một số địa phương chưa tập trung; việc bố trí kinh phí thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; trình độ chuyên môn và nhận thức trách nhiệm của cán bộ còn hạn chế chưa hiểu đúng và nắm rõ mục tiêu cũng như giải pháp để thúc đẩy thực hiện toàn diện nội dung đột phá; một số văn bản của Trung ương hướng dẫn về cơ chế chính sách chưa sát với thực tế của tỉnh...

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại và tiếp tục phát huy những mặt đạt được, Kế hoạch thực hiện năm 2022 đã xác định các mục tiêu: Tiếp tục tổ chức chuyển đổi diện tích cây trồng để tăng diện tích cây trồng đột phá; áp dụng tiến bộ KHCN để đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị các loại cây trồng, vật nuôi. Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung; Đẩy mạnh việc thực hiện phát triển thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Cụ thể:
Về trồng trọt thực hiện mở rộng diện tích trồng thêm:  80ha cây Lê tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình; Cây Dẻ  185ha tại huyện Trùng Khánh, Tp Cao Bằng; 100 ha cây Thạch đen so với năm 2022 tập trung tại các huyện Nguyên Bình, Thạch An; 150 ha cây Thuốc lá so với năm 2022 tạo huyện Hòa An, Hà Quảng...

Chăn nuôi: Hỗ trợ các dự án chăn nuôi bò tập trung đối với dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng; tiếp tục hỗ trợ các hoạt động hoàn thiện cơ sở hạ tầng để dự án đi vào hoạt động, tiến hành sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ chi phí mua con giống và xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cho 1.500 con trâu bò theo hướng thương phẩm; 2.500 con lợn nái, lợn thịt cho các hộ chăn nuôi lợn; mở rộng diện tích cỏ chăn nuôi thêm 75ha

Mở rộng diện tích đối với cây Lâm nghiệp như: cây Trúc sào 300 ha tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc; 203ha cây Hồi tại các huyện Thạch An, Bảo Lạc, Trùng Khánh; 450 ha cây Quế tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hòa An, Thạch An; 70ha cây Mắc ca tại huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa

Hỗ trợ phát triển 30 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 30 cơ sở sản xuất hoàn thiện chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlabolGAP, Hữu cơ, an toàn...); truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo đó trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, Tổ chức các biện pháp tuyên truyền phổ biến dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng tại các hội nghị báo cáo viên các cấp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm, tờ rơi, trang thông tin điện tử....

Hai là, chuẩn bị các điều kiện thủ tục để xây dựng các vườn ươm để đảm bảo cung cấp đủ giống cây trồng nông lâm nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn để sản xuất; hỗ trợ chi phí phí mua giống phân bón cho các hộ trồng cây dẻ, thuốc lá, thạch đen...; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua con giống cho các hộ chăn nuôi trâu bò; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư các cơ sở bảo quản nông sản...

Ba là, xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất và rà soát diện tích đất phù hợp với các loại cây trồng đặc sản, đặc hữu, vùng trồng nguyên liệu để định hướng thành kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện; chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất để phát triển trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, kết hợp bảo vệ rừng; xem xét, thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhưng không đưa vào sử dụng đúng mục đích, kém hiệu quả..

Bốn là, Phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tập trung liên kết giữa người sản xuất, HTX, DN trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi khép kín, tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế, đồng nhất về chất lượng...

Năm là, Tập trung chỉ đạo và định hướng các chủ thể sản xuất phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực,hướng đến sản phẩm chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải; hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường...tăng cường xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản...

Sáu là, tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp cho các đối tượng là cán bộ chuyên môn thuộc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, chủ các trang trại...; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuỗi sản xuất nông nghiệp; quản lý giám sát điều kiện khí tượng thủy văn để tối ưu lịch nông vụ, kiểm tra điều kiện phát triển của cây trồng....

Bảy là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh; thực hiện chương trình lồng ghép kinh phí thực hiện các Chương trình MTQG và  các Chương trình, Nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tu, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...
 
                                                                                                                                                      ĐT(Theo Kế hoạch của Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá nông nghiệp năm 2023)














image advertisement