Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Dấu ấn Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 7
Lượt xem: 421
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng được tổ chức nhằm khơi dậy và đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát hiện và hỗ trợ các tài năng sáng tạo trong lao động sản xuất, đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp hữu ích, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Thành viên Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 7 (2020-2021) tham dự cuộc họp

Thành viên Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 7 (2020-2021) là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể: Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn TNCSHCM, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Cao Bằng, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 7 được phát động từ ngày 25/8/2020 - 15/6/2021, Ban Tổ chức nhận được 60 hồ sơ giải pháp với 137 lượt người tham gia dự thi thuộc 6 nhóm lĩnh vực gồm: 18 giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; 7 giải pháp cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; 10 giải pháp vật liệu, hóa chất, năng lượng; 12 giải pháp về nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; 6 giải pháp y dược; 7 giải pháp giáo dục và đào tạo. Trong các giải pháp dự thi, có những giải pháp là một tác giả hoặc nhóm tác giả cùng nghiên cứu sáng tạo. Tác giả (nhóm tác giả) là các cán bộ quản lý, công nhân, nông dân đang công tác tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp...thuộc nhiều lĩnh vực tại địa phương. Đã có 21 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trường học và 5/10 huyện, thành phố có giải pháp tham dự Hội thi gồm: Huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng, Hòa An, Quảng Hòa. Trong đó một số đơn vị đã tích cực vận động, có nhiều giải pháp tham gia Hội thi như: Công ty Điện lực Cao Bằng 13 giải pháp, huyện Nguyên Bình 7 giải pháp,  huyện Hòa An 5 giải pháp, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Cao Bằng 5 giải pháp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng 5 giải pháp.
 
Qua so sánh, phân tích, Ban Tổ chức Hội thi nhận định: Hội thi lần này có số giải pháp dự thi cao nhất từ trước đến nay, hầu hết các đề tài, giải pháp có tính sáng tạo, được áp dụng hoặc thử nghiệm sản xuất và chứng minh hiệu quả trong thực tiễn, mang lại lợi ích kinh tế, kỹ thuật, xã hội. Kết quả có 41/60 giải pháp đoạt giải, trong đó: 02 giải nhất, 03 giải nhì, 13 giải ba và 23 giải khuyến khích. Trong số 41 giải pháp đạt giải, Ban tổ chức đã lựa chọn 3 giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 bao gồm: Giải pháp: Dạy tiếng Anh theo định hướng STEAM trong giáo dục phổ thông để phát triển toàn diện năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng của tác giả Lưu Thị Thúy Ngà, Trường THPT Chuyên Cao Bằng, thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (đạt giải Nhì cấp tỉnh); Giải pháp: Thiết kế, lắp đặt thiết bị tự động ngắt tải cho máy phát điện công suất nhỏ khi cấp điện dự phòng cho các trạm BTS/NodeB/eNodeB của nhóm tác giả Trần Nông Doanh, Triệu Quang Hiệp, Hoàng Văn Trung, Tổ kỹ thuật- TTĐHTT- Viễn Thông Cao Bằng, thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (đạt giải Nhất cấp tỉnh); Giải pháp:  Nghiên cứu dùng xỉ hạt lò cao cho sản xuất gạch xây đất sét nung của tác giả Vũ Bảo Lân, Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng  Cao Bằng, thuộc lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng (đạt giải Nhất cấp tỉnh). Hồ sơ các giải pháp trên đã gửi đi tham dự Hội thi toàn quốc từ đầu tháng 10/2021, hiện nay chưa có kết quả.
 
Theo bà Hoàng Thị Bình – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Cao Bằng cho biết: Đến thời điểm này Hội thi được đánh giá là đã tổ chức thành công. Mặc dù ảnh hưởng của dịch nhưng mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực hưởng ứng Hội thi và các giải pháp đều có tính ứng dụng thực tế góp phần đưa lao động sáng tạo vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, có những giải pháp, mang lại hiệu quả cho công ty từ 500 triệu đến 3 tỷ đồngTiêu biểu trong đó là giải pháp  "Nghiên cứu dùng xỉ hạt lò cao cho sản xuất gạch xây đất sét nung" của Kỹ sư Vũ Bảo Lân – Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Cao Bằng. Trong quá trình sản xuất các loại gạch xây đất sét nung, nguyên liệu chính cấu thành là đất sét, vì sử dụng quá nhiều lượng đất sét phục vụ cho sản xuất làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, làm giảm diện tích đất nông nghiệp. Mặt khác giá thành cho khai thác sét tại các mỏ cũng không hề thấp, dẫn đến hiệu quả không cao trong sản xuất kinh doanh. Với tình hình thực tế của sản xuất, sau khi nghiên cứu tìm hiểu, Kỹ sư Vũ Bảo Lân đã đưa ra giải pháp  "Nghiên cứu dùng xỉ hạt lò cao cho sản xuất gạch xây đất sét nung". Chỉ với 7% xỉ hạt lò cao pha vào đất sét, nhưng lại cho kết quả bất ngờ, gạch đươc sản xuất bằng phương pháp cho chất lượng tốt hơn hẳn, có độ mượt, cứng, không cong vênh, được người tiêu dùng đánh giá cao. Sau khi nghiên cứu thành công, đơn vị đã đưa vào áp dụng đại trà trong sản xuất, mỗi năm làm lợi trên 2,9 tỷ đồng. Giải pháp này vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho quá trình sản xuất các loại gạch xây đất sét nung, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt lại giải quyết được 1 phần rác thải của nhà máy gang thép, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần hạ giá thành tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với hiệu quả của giải pháp này mang lại, Kỹ sư Vũ Bảo Lân đã đoạt giải nhất Hội thi.
 
Với đa dạng các lĩnh vực, công nghệ thông tin, vật liệu hóa chất, giáo dục đào tạo, cơ khí tự động hóa…các dự án tham gia Hội thi đều đã được áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên còn có một số giải pháp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhưng, việc không ngừng nghiên cứu, sáng tạo đã khiến cho họ không bao giờ bị “cũ”, và ngày càng có nhiều “quả ngọt”. Không giới hạn về nghề nghiệp, tuổi tác, dân tộc, có người là công nhân, kỹ sư, bác sĩ; có người là giáo viên, nông dân… nhưng họ cùng chung một niềm đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, mỗi người tìm đến cuộc thi như một cách để đóng góp cho cộng đồng những giải pháp của mình, áp dụng vào thực tế đời sống.

Qua số lượng giải pháp tham gia Hội thi và số lượng giải pháp đạt giả đã cho thấy sức lan tỏa của Hội thi Khoa học kỹ thuật tỉnh. Những hiệu quả từ các giải pháp dự thi đã cho thấy tính ứng dụng vào thực tiễn của các nghiên cứu, góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương. Thời gian tới, Ban tổ chức cuộc thi sẽ tiến hành tập huấn, chuyển giao các mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhân rộng hiệu quả của các dự án, để tạo ra sức lan tỏa của hội thi, qua đó cổ vũ, thu hút các cá nhân, tổ chức không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, cùng tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8, đóng góp vào những giải pháp đem lại lợi ích cho xã hội./.

Tác giả bài viết: PH














image advertisement