Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng góp phần nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý
Lượt xem: 1966
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách Chiến lược của Đảng và Nhà nước ta nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Thực hiện chủ trương đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25/4/2011 và Chỉ thị 09-CT/TU ngày 13/6/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trợ giúp pháp lý.
Thể chế hóa Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và quyết định liên quan đến vấn đề tư pháp, như: Kế hoạch số 2190/KH-UBND ngày 22/8/2012 về việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25/4/2011 của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 10/2014-UBND ngày 22/5/2014 ban hành Quy chế phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 13/2014-UBND ngày 30/5/2014 ban hành Quy chế hoạt động của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;… Việc thực hiện kế hoạch và các quyết định trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý được trên 2.500 vụ, với hơn 2.700 lượt người, gần 200 đợt trợ giúp pháp lý lưu động và tổ chức được 17 lớp tập huấn (tỷ lệ người dân tộc thiểu số được tư vấn, trợ giúp pháp luật chiếm 93%); cấp phát được trên 3.800 tờ gấp pháp luật với nội dung về thông tin hoạt động trợ giúp pháp lý dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, chính sách,…; lắp đặt hơn 170 bảng thông tin trợ giúp pháp lý tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, 24 bảng thông tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020, Cao Bằng có 70 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được hỗ trợ kinh phí sinh hoạt từ nguồn kinh phí của Chính phủ. Các Câu lạc bộ đã tổ chức được 1.345 kỳ sinh hoạt, thu hút 26.031 lượt người dân tham dự, qua đó đã góp phần đưa chủ trương, chính sách xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội về mặt pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo ra cơ hội cho mọi công dân được tiếp cận với dịch vụ pháp lý trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, đồng thời từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân, nhất là những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó góp phần làm lành mạnh quan hệ xã hội, xây dựng nếp sống văn minh “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác bổ trợ tư pháp được quan tâm phát triển. Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện việc ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hoạt động luật sư. Ngày 09/7/2010 HĐND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 25/2010 về Chính sách hỗ trợ phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020. Từ khi Nghị quyết được triển khai thực hiện đến nay, toàn tỉnh có 14 luật sư hoạt động tại 07 văn phòng luật sư.

Thực hiện tốt chức năng quản lý tài sản hoạt động công chứng, đẩy mạnh xã hội hóa công chứng, đến nay toàn tỉnh có 01 phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp và 03 phòng Công chứng đang hoạt động hiệu quả, nâng cao sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch. Công tác bán đấu giá tài sản thực hiện đạt và vượt kế hoạch từ 150-200% chỉ tiêu giao, góp phần tăng thu ngân sách tại địa phương.

Hiện nay, việc tổ chức và triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và kinh phí dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ;…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế chế làm công tác tư pháp nói chung, trong đó chú trọng củng cố, kiện toàn các tổ chức trợ giúp pháp lý hiện có; phát triển mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã; Xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên trợ giúp pháp lý đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo các chức danh tư pháp, đảm bảo công chức, viên chức được nâng cao trình độ, năng lực công tác, kỹ năng nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong tình hình mới; Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc thiết yếu để các tổ chức trợ giúp pháp lý có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý da dạng và ngày một tăng của nhân dân;.../.

Hữu Nghĩa














image advertisement