Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nuôi giun quế hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường
Lượt xem: 1266
Cao Bằng là tỉnh miền núi, có gần 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, vì vậy trong quá trình sản xuất đã thải ra một lượng chất thải rất lớn, như phân gia súc, gia cầm, rơm rạ…, tất cả đều ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh và sức khỏe người dân. Trước thực trạng đó Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Cao Bằng đã thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm giun quế làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, nhằm tận dụng các chất thải trong nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường nông thôn và nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Giun quế là một loại thức ăn bổ dưỡng với hàm lượng đạm trong cơ thể chiếm tới 70% trọng lượng khô, vì vậy rất thích hợp bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của các loại vật nuôi như lợn, gà, ngan, vịt, cá … Từ kết quả mô hình thử nghiệm nuôi giun quế thành công, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun quế cho hơn 30 hộ nông dân tại xóm Nà Mỏ, xã Đức Long, Hòa An và hỗ trợ cho mỗi hộ tham gia tập huấn 2 kg sinh khối giun quế giống về nuôi. Trong quá trình nuôi bà con nông dân đã áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, giun phát triển tốt, sau thời gian 60 ngày đã có thể thu hoạch giun quế để nhân rộng, hoặc làm thức ăn trong chăn nuôi.

Giun quế được sử dụng trong chăn nuôi.

Theo những hộ đã nuôi giun quế tại xã Đức Long, huyện Hòa An cho biết, chi phí đầu tư nuôi giun không lớn, chỉ cần đầu tư con giống lần đầu tiên (trung bình 2kg giun quế sinh khối tương đương 20.000,đ có thể nuôi lớn được 10 con vịt hoặc ngan mà không cần dùng đến các loại thức ăn khác), hơn nữa giun quế sinh sản rất nhanh, thức ăn để nuôi giun chủ yếu là nguồn nguyên liệu sẵn có như rác hữu cơ, rơm rạ, phân trâu, bò, lợn, gà. Mặt bằng nuôi giun có thể tận dụng trong vườn nhà, các chuồng trại cũ bỏ không như chuồng trâu bò, lợn, gà hoặc các vật dụng đơn giản như chum, chậu, thùng xốp, thùng nhựa. Vì vậy, mô hình nuôi giun quế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay mô hình nuôi đã được nhân rộng tại các huyện Thạch An, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh...

Nuôi giun quế, bên cạnh việc tạo được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, thủy sản, đẩy nhanh tốc độ tăng trọng của vật nuôi với chi phí thấp hơn nhiều so với các loại thức ăn khác như: ngô, thóc, cám gạo…, còn tận dụng được các loại phế thải nông nghiệp như: rơm rạ, phân trâu, bò, lợn…, góp phần cải thiện môi trường nông thôn. Hơn nữa phân do giun quế thải ra còn là nguồn phân hữu cơ sạch, chứa đầy đủ hàm lượng các chất cần thiết cho các loại cây trồng, đặc biệt cho các loại cây ngắn ngày phát triển.

Để mô hình được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành về con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi…, cho bà con nông dân, đặc biệt cần tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn áp dụng mô hình vào sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

BLB














image advertisement