Chủ nhiệm đề tài: Ks. Nông ích Thượng
Đơn vị thực hiện: Sở khoa học và công nghệ Cao Bằng
Thời gian thực hiện: 6/2005-3/2006
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Mác mật là loài cây ăn quả mọc tự nhiên trong rừng. Người dân thường sử dụng quả và lá để ăn, làm gia vị như một loại quả đặc sản vì có mùi thơm đặc biệt. Hiện nay sản phẩm quả và lá mác mật chủ yếu được tiêu dùng trong nội địa để ăn tươi, ngoài ra quả cũng được bán sang Trung Quốc dưới dạng tươi và khô. Tuy nhiên chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện nào về cây mác mật của Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng. Vì vậy, để khai thác giá trị của cây mác mật, Sở khoa học và công nghệ đã triển khai thực hiện đề tài nhằm nghiên cứu tinh dầu và các thành phần của tinh dầu có trong các bộ phận của cây mác mật.
II. MỤC TIÊU
Phát triển cây mác mật thành vùng hàng hoá phục vụ cho chế biến sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững. Trước mắt là nghiên cứu về đặc điểm thực vật, phân bố, thành phần hoá học, công dụng của cây mác mật là cơ sở quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô và đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ mác mật trên địa bàn tỉnh.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Kết quả điều tra cây mác mật Cao Bằng
Đặc điểm phân bố: Cây chủ yếu mọc ở chân núi đá vôi, một số ít trên sườn núi đá và vườn đồi. Được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông. Cây sinh trưởng phát triển tốt và năng suất cao tại các vùng có độ cao từ 200-600m so với mặt biển, nhiệt độ không khí bình quân năm từ 20-25oC, nhiệt độ cao nhất 35-37oC, lượng mưa trung bình 1000-1900mm/năm.
Về sản lượng, tiêu thụ: Sản lượng ước đạt trên 3.320 tấn/năm, với giá bán trên thị trường hiện nay là 2.500-3.500 đ/kg. Một cây mác mật, người dân có thể thu hái được trung bình 50kg quả chủ yếu được bảo quản theo phương pháp truyền thống là ướp muối hoặc ngâm măng ớt mác mật để dùng dần trong các bữa ăn hàng ngày.
Về chất lượng quả: Vườn cây chân - sườn núi đá vôi vùng Lam Sơn - Hồng Việt; Lê Lai - Thạch An và An Lạc - Hạ Lạng, quả mác mật có vị thơm ngon đậm đà hơn quả của những cây ở vườn nhà kết quả cho thấy, điều kiện tự nhiên thích hợp của cây mác mật là đất có độ pH khá cao như đất chân - sườn núi đá vôi. Quả và hạt có đặc trưng thơm, vị hơi chua ngọt, lá và quả có tinh dầu thơm, củi (thịt quả) có vị chua ngọt.
Công tác gây trồng: Mác mật được trồng vào mùa xuân. Đa số được trồng bằng cây con từ hạt là chính nên chưa được tuyển chọn về chất lượng giống. Chưa có tác động của các biện pháp kỹ thuật trong việc sản xuất cây mác mật như cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân hay bảo vệ thực vật, là loài cây mọc tự nhiên và chưa được tác động bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào.
2. Đặc điểm thực vật
Về hình thái: Mác mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, cao l-7m, cành non có màu xanh nhạt, có lông rải rác về sau nhẵn, vỏ thân màu xám đen, có những nốt sần. Vỏ thân, cành, lá, hoa, quả có tinh dầu thơm. Lá kép lông chim mọc cánh, dài 10-30cm, chóp lá nhọn, gốc lá lệch, tù hay nhọn, mép lá gần như nguyên hay có khía răng nhỏ. Quả hình cầu, đường kính 9-13mm, có các điểm tuyến, khi chín có màu trắng nhờ đến trắng trong. Hạt 1-2 mm, màu xanh nhạt. . .
Về sinh trưởng: Mác mật ra 2 đợt lộc trong năm là lộc xuân và lộc hè thu. Với độ cao phân cành 56-80cm là phù hợp đối với cây thu hái quả, đặc biệt là quả mọng nước. Cây đạt chiều cao và hình dạng bộ khung tán ổn định có hình mâm xôi hoặc hình bát úp vào giai đoạn từ 16- 20 năm tuổi sau trồng.
Về phát triển: Mác mật ra hoa tháng 4-5, quả chín vào tháng 6-7. Quả còn non có màu xanh đậm, hình cầu, trên vỏ có túi tinh dầu, khi chín vỏ quả màu vàng nhạt, nhẵn bóng, trong.
3. Kết quả nghiên cứu, phân tích thành phần hoá học
Tên khoa học: Mác mật có tên gọi khác là Hồng bì núi, tên khoa học là Clausena indica (Dalzell) Oliv.1861 thuộc họ Cam - Rutaceae.
Hàm lương tinh dầu: Tập trung chủ yếu ở lá, vỏ quả, hạt, cành, cuống lá, cuống quả. Bộ phận chứa nhiều tinh dầu nhất là vỏ quả chứa 5,55%. Sau vỏ quả là lá chứa 2,71%. Hạt chứa 1,47%.
Thành phần hoá học của tinh dầu: Trong tinh dầu lá mác mật có 11 thành phần chất, trong đó, có 2 thành phần chính là myristicin (40,37-56,04%) và P-cymen-8-ol (18,58-22.45%). Trong tinh dầu của vỏ quả có 9 thành phần chất, trong đó chủ yếu là beta-myrcen (70%). Thành phần hoá học của tinh dầu lá và vỏ quả có sự khác nhau cơ bản về hàm lượng một số thành phần chính nên mùi thơm của quả khác với mùi thơm của lá. Từ thành phần hoá học trong lá và vỏ quả có thể sử dụng làm thuốc giảm đau có nguồn gốc thiên nhiên.
Thành phần dinh dưỡng: Trong lá và quả có hàm lượng các nguyên tố vi lượng và đa lượng khá cao. Trong đó, lá có hàm lượng protein, sắt, mangan, can xi cao hơn quả và hạt. Quả mác mật rất giàu hàm lượng vitamin C. Ngoài cung cấp các nguyên tố vi lượng, đa lượng và vitamin C cho cơ thể, người dân còn dừng cây mác mật để làm thuốc chữa cảm sốt, phong thấp, lá nấu nước gội đầu làm sạch gầu./.
Hoàng Hà