Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 331
Sáng ngày 15/11/2021, ngay sau Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn công tác Trung ương tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội Cao Thị Xuân; Phó Chủ nhiệmVăn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống;Thứ trưởng Bộ Tài ChínhTạ Anh Tuấn, cùng các đồng chí Trợ lý, thư ký Thủ Tướng Chính phủ; đại diện một số Vụ, Cục thuộc các Bộ, Ban, Ngành Trung ương.

 Về phía tỉnh Cao Bằng có: đồng chí Trần Hồng Minh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng; đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đ/c Hoàng Xuân Ánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Thủ trưởng một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nêu rõ: Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động, quyết tâm, quyết liệt, khẩn trương cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp bằng 3 Chương trình trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, về đổi mới cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch thực hiện 3 nội dung đột phá, chiến lược về phát triển du lịch - dịch vụ, về phát triển nông nghiệp thông minh và về phát triển kinh tế cửa khẩu; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó Cao Bằng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là:

Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước tăng 4,1%. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, năng suất các cây trồng chính tăng khá so với cùng kỳ; an ninh lương thực được đảm bảo; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai thực hiện.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (theo giá hiện hành) 10 tháng đạt 4.262 tỷ, tăng 11,76% so với cùng kỳ, bằng 80,42% kế hoạch năm; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 572 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, vượt 22% kế hoạch năm. Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn tỉnh đạt trên 24 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm.

Thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 10/11/2021 đạt 1.364 tỷ đồng, bằng 94% so với dự toán Trung ương giao, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách địa phương được 5.982 tỷ đồng, đạt 63% so với dự toán Trung ương giao.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công mới đạt 68% kế hoạch.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh quốc phòng được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và toàn diện.

Thông qua việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, đến ngày 14/11 Cao Bằng ghi nhận 12 ca mắc COVID-19 trở về từ các địa phương có dịch và được cách ly, điều trị theo quy định tại các cơ sở y tế, không có ca thứ phát trong cộng đồng. Tỉnh xác định thuộc cấp độ 1- nguy cơ thấp về dịch bệnh, tương ứng với vùng xanh.

Tuy nhiên, kinh tế Cao Bằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của địa phương; điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh chưa được tháo gỡ; chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt thấp so với kế hoạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến. Phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. An ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, nguồn lực nội sinh, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tập trung vào các chỉ tiêu đạt thấp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2021, tạo động lực, nền tảng để bước vào năm 2022.

Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành và cơ quan Trung ương đã bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về con người và sự nỗ lực vươn lên của Cao Bằng trong thời gian vừa qua; đồng thời có ý kiến đối với các đề xuất của tỉnh Cao Bằng liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); dự án kết nối cao tốc với thành phố Cao Bằng và việctriển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; qua đó, gợi mở một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới của tỉnh, nhất là các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế cho người dân; rà soát các hộ nghèo không có nhân lực có khả năng lao động đưa vào diện bảo trợ xã hội,...

Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Cao Bằng đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phòng chống dịch Covid-19, kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, tinh thần yêu nước, một lòng đi theo Đảng của Nhân dân… Và đề nghị, tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu theo các Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; Thường xuyên tổ chức đánh giá thực tiễn thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, trong quá trình thực hiện không lo sợ thoái quá, không lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh trước dịch bệnh; Tập trung nguồn lực và sự  lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 chương trình đột phá chiến lược đã được Đảng bộ tỉnh xác định; Tập trung cho công tác xây dựng quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; Về đầu tư công, cầu tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tránh mạnh mún, dàn trải, kém hiệu quả; kiên quyết điều chuyển vốn đối với các dự án kém hiệu quả sang ưu tiên cho thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), xác định đây là dự án có tính chiến klược, khai thông điểm nghẽn, khó khăn về kết cấu giao thông của tỉnh, tạo điều kiện để tỉnh phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, thu hút nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của tỉnh về việc triển khai chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn và nhấn mạnh: khi nguồn lực và thời gian đều có hạn, thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã trao 100 nhà đại đoàn kết trị giá 5 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên tỉnh Cao Bằng và 100 triệu đồng hỗ trợ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm đường giao thông. Những tình cảm, sự quan tâm đặt biệt và những món quà ý nghĩa của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác Trung ương đã dành tặng cho Tỉnh Cao Bằng là nguồn cổ vũ, động viên để Cao Bằng tiếp tục phấn đấu vươn lên trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: HN

Tin khác














image advertisement